- Sáng nay, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã đi kiểm tra tiến độ dự án nạo vét, cải tạo môi trường toàn bộ rạch Xuyên Tâm trên địa bàn phường 24, quận Bình Thạnh.   

Khu dân cư lâu đời cuối hẻm 118 Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, nằm sát rạch Xuyên Tâm… là một trong những điểm thị sát của Bí thư Thăng sáng 9/8. 

{keywords}
Bí thư Thăng đang khảo sát cuộc sống của người dân trên tuyến rạch Xuyên Tâm

Trước giải phóng, đây là khu dân cư tự do. Cách đây 23 năm, TP.HCM đã có dự án di dời những hộ dân nằm sát kênh rạch. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có dự án nào thực sự đi vào thực tế.   

Gần đây nhất, ngày 10/3/2016, UBND TP.HCM đã duyệt đề xuất dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), thuộc địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp, theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao). 

{keywords}
Sinh hoạt của người dân và người đi thuê phòng  trọ luôn trong cảnh tạm bợ.

Đón nhận thông tin Bí thư Thành uỷ đi thăm hẻm 118 Bạch Đằng, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, 55 tuổi, cư dân hẻm cho biết: “tôi nghe riết 23 năm rồi, trước đây còn có cả cây cầu sắt, xe đạp rồi người đi bộ qua, rồi cầu cũng bị dỡ… mà chưa thấy cải tạo gì cả. Cho tới nay vẫn êm ru luôn”.  

“Tôi lấy chồng về đây đã 35 năm, ngày xưa rạch Xuyên Tâm trong sạch lắm, bây giờ thì ô nhiễm quá, trời mà mưa xong là hôi không chịu nổi. Giờ nhà nước mà quyết tâm cải tạo kênh rạch, đền bù cho dân thoả đáng thì dân hồ hởi lắm. Dân mong giải toả lắm rồi”, bà Thuý cho biết.  

“Trước giải phóng, ở đây là khu dân nuôi heo. Sau giải phóng, người ta làm xưởng cưa, ồn ào quá dân yêu cầu ngừng, thế là nơi này biến thành những nhà trọ lụp xụp. Có nhiều người đã có nhận giấy lãnh tiền đền bù, nhưng chưa thấy nhà nước làm gì cả, nên dân họ tận dụng dựng tạm nhà cho dân lao động thuê, nhưng muỗi lắm, mùi hôi thối khắp nơi. Ở đây là làm đẹp như Trường Sa-Hoàng Sa thì dân mong lắm”, bà Thuý chia sẻ. 

Ba đời sống ở hẻm 118 từ những năm 1930, ông Nguyễn Tấn Kiên, nay đã mua đất về Đồng Nai sống sau khi nhận tiền đền bù dự án. Thi thoảng, ông Kiên về đây, phụ giúp em út nghề làm đồng xe máy.

“Ngày xưa rạch Xuyên Tâm sạch lắm, toàn cát không, nhìn nước trong thấy đáy, bọn tôi hồi nhỏ bơi riết. Giờ thì không dám. Đứng đây ngửi mùi là thấy mệt chứ nói chi bơi”.   Về hẻm 118 sống từ năm 1990, bà Đoàn Thu Hằng, 55 tuổi, cho biết từ hồi cách đây 20 năm, rạch đã bắt đầu bẩn rồi. 

“Người ta vứt rác, rồi vệ sinh xuống rạch, nên bẩn dần.Tôi hy vọng ông Bí thư Thành uỷ mới sẽ làm được điều mà người dân ở đây mong mỏi bao năm”, bà Hằng trả lời. 

{keywords}
Nhiều gia đình không làm cả nhà vệ sinh, rác thải sinh hoạt đều xả thẳng xuống lòng rạch Xuyên Tâm


Dự án BT: cải tạo toàn bộ rạch Xuyên Tâm với tuyến chính dài 6,21 km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 03 tuyến nhánh dài 1,94 km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi) đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703 ha. 

Đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh từ quỹ đất dọc hai bên tuyến để khai thác hoàn vốn. Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2020. 

Tổng vốn đầu tư dự kiến (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng): 5.106.386.000.000đ. Nhà đầu tư sẽ tự tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại chỗ; trong thời gian đầu Nhà đầu tư sẽ làm việc với địa phương để bố trí khoảng 330 hộ vào các khu tái định cư sẵn có. 

Nguồn vốn đầu tư: Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và nguồn đầu tư tài chính khu vực tư nhân của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản-JICA (quỹ Private Sector Finance). Thành phố thanh toán bằng quỹ đất dọc hai bên tuyến thực hiện dự án để bố trí tái định cư và thực hiện dự án khác.      

Việt Đông