- Những thông tin liên tiếp về các đại gia BĐS thâu tóm đất Nhơn Trạch, các chủ đầu tư trình phương án đầu tư cầu nối Quận 9 với Nhơn Trạch, cầu Cát Lái nối Quận 2 với Nhơn Trạch (Đồng Nai)…đã khiến cho vùng đất một thời là “ác mộng” với dân đầu tư nhộn nhịp trở lại với cường độ chóng mặt.
Biển quảng cáo bán đất giờ lấn át cả việc mưu sinh hàng ngày |
Cuộc hẹn với một “cò đất” ở chợ Phú Đông (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) ngắn gọn rất nhiều so với tưởng tượng. Khi biết phóng viên muốn nắm tình hình thực. T. (xin giấu tên vì ảnh hưởng đến chuyện làm ăn) thẳng thắn: anh được anh K. giới thiệu thì không phải “văn vở” gì cả. “Em chỉ theo anh được 2 tiếng, hôm nay em bận, khách xuống đông”, T. ngắn gọn.
K. là một tay gắn bó với đất Nhơn Trạch từ thuở mới lập nghiệp, nay đã thuộc hàng “tuổi trẻ tài cao” với vài dự án đầu tư lớn. Theo lời K., đừng coi thường những “cò đất” nhìn bề ngoài nhếch nhác, quần áo cũ kỹ, chạy xe gắn máy như T.
“Trông thế thôi, mà đã làm được vài kèo có giá trị dao dịch trên chục tỷ rồi đấy. Thực chất hơn mấy ông thuê xe hơi theo ngày mặc quần áo lịch sự đầu vuốt keo thơm phức nhiều”, K. giới thiệu về T.
T. dẫn tôi chạy lòng vòng quanh địa bàn xã Phú Hữu, Phú Đông và Đại Phước. Theo lời T., đất ở xã Phú Hữu, từ khi Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194 đưa ra đề xuất phương án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT từ hồi tháng 4/2016, đã tăng giá theo từng tuần, trung bình 3-4% mỗi tuần.
“Nhưng tăng ở chỗ nào thì tăng, đất quanh khu vực 1,2km tính từ phà Cát Lái là chết đứng, vì phương án xây cầu đưa ra là điểm cuối trên đường Lý Thái Tổ, cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km. Dân có ngu cũng biết cầu là còn làm đường gom lên cầu, nên đất quanh khoảng cách đó là chết cứng”, T. chia sẻ.
Một dự án ăn theo khu tái định cư Đại Lộc đã tưng bừng khai trương, tuyên bố bán hết và khách phải mua qua chênh lệch theo số điện thoại ghi tại nền |
Theo T., tâm lý “ăn chắc” nhất của dân đầu tư đất là "xuống tiền" ở địa bàn xã Phú Đông. “Từ cuối năm 2015, công ty con của Vincom lấy lại 212 héc-ta từ dự án của Sen Việt Công Thương, trùm lên phần đất của xã Đại Phước và xã Phước Hữu, đất đai đã rục rịch rồi. Giờ thêm thông tin về cầu Cát Lái nữa thì không sốt mới lạ”, T. khẳng định.
“Định hướng” của T. không có gì là ngạc nhiên, vì hầu hết đội cò đất trên địa bàn đều tập trung quanh những quán cà-phê quanh xã Đại Phước. T. cũng không là ngoại lệ, “nền tảng” của T. cũng như những đội môi giới khác đều xoay quanh khu tái định cư Đại Lộc.
“Trước đây, nền 20x7 ở đây chỉ chừng 800-900 triệu, chỉ trong vòng 2-3 tháng đã lên 1 tỷ 1, rồi 1 tỷ 2, có mối sang tay luôn được 1 tỷ 3. Ở đây yên tâm vì có sổ hồng, đất tái định cư, có cả chợ, trường học được quy hoạch và xây dựng sẵn”, T. cho biết.
Theo chân T., chúng tôi đi vòng quanh khu tái định cư (TĐC) Đại Lộc. Nhiều dự án đã sẵn sàng “bắt sóng” theo cơn sốt đất của Đại Lộc. Một dự án đằng sau khu tái định cư, vốn nằm “hấp hối” bao lâu nay, đã cho sơn lại biển quảng cáo, nhân viên đang đo đạc lại diện tích.
Một dự án khác ngay bên cạnh đã cho xe ủi lấp đất nối thông con đường sang khu TĐC Đại Lộc, tưng bừng khai trương mở bán nền với giá từ 400-500 triệu/nền tuỳ diện tích. Nhân viên của dự án này hồ hởi thông báo: anh có nhu cầu thì em hỏi xem khách có bán lại chịu tiền chênh, chứ bao nhiêu nền mở ra đã bán hết sạch?!
Những đại lý BĐS hối hả mọc lên chờ đón cơn sóng tăng giá tại xã Phú Đông, Phú Hữu và Đại Phước |
Một cán bộ địa chính của xã Phú Đông cho biết, 2 tháng nay là anh bận rộn với việc đi phân thửa đất cho dân. PV VietNamNet muốn gặp được anh cũng phải nhờ T. xuống tận khu đất của dân xem cán bộ địa chính xã đang lội sình, cắm mốc cọc bê tông.
Thấy T. đưa khách đi xe hơi xuống tận ruộng, nhiều môi giới đất ùa lại “chém gió”. Chưa biết nếp tẻ, vừa cập đầu xe, một “cò” đã chém văng miểng với T, ý để cho khách nghe: “gần 200 lô của L.N vừa đắp cát đã hết sạch rồi đó, khách giờ kêu tôi liên hệ để mua chênh lại quá trời”. T. nhìn tôi cười ý nhị.
Đồng nghiệp của T., chắc là dân mới vào nghề, không để ý đến nụ cười của “tay tổ”, liên tục kể những câu chuyện, mà chắc chắn dụng ý không phải để cho bạn nghề nghe: nào là toàn xe biển TPHCM chạy xuống xem đất, nào là dân mua đất giờ không chơi đặt cọc nữa mà toàn chở một đống tiền mặt trên xe, ưng là "xuống tiền" luôn rồi kéo ra xã công chứng.
Tất cả những câu chuyện ấy, được kể với giọng hào hứng, rất dễ gây ra cảm giác tiếc nuối của khách, khi hận mình không đem theo tiền xuống thẳng Phú Hữu, Phú Đông, ném ra chừng nấy, lấy một thửa đất vốn là đất ruộng mới lên đất trồng cây lâu năm, được san ủi tạm bợ bằng cát, đang còn lênh láng nước...và chỉ chừng tháng sau đã có lợi nhuận 20-30%...
(còn nữa)
Việt Đông