Có ĐB lo ngại về tình trạng “sống lâu lên lão làng” trong công tác xét khen thưởng. Có ĐB thẳng thắn nhìn nhận tác dụng của thi đua không đáp ứng được yêu cầu đặt ra”.

Khen thưởng khu vực ngoài Nhà nước chưa thỏa đáng

Chiều 18/6, QH thảo luận về luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Thi đua, khen thưởng.

Quan điểm của Chính phủ khi trình dự thảo luật sửa đổi là mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.

Tuy nhiên, tổng kết 8 năm thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho thấy việc khen thưởng vẫn chủ yếu được dành cho các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước, chưa có sự ghi nhận xứng đáng đối với khu vực ngoài Nhà nước.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) đề nghị cần có quy định khen thưởng đối với cá nhân, tập thể ngoài ở khu vực này.

“Cơ cấu lao động ngoài nhà nước chiếm rất lớn, khen thưởng lực lượng này là để kịp thời ghi nhận sự đóng góp của họ. Người lao động luôn cố gắng để đạt tới năng suất cao nhất, nhưng chính sách động viên họ hiện nay chưa thỏa đáng. Cần bổ sung danh hiệu lao động giỏi dành cho lao động vượt mức, lao động sáng tạo, lao động xuất sắc. Cùng với đó, cần có danh hiệu tập thể lao động xuất sắc”, ĐB Trần Thanh Hải đề xuất.

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho biết lần này sửa 44/113 điều của luật hiện hành, như vậy là sửa nhiều nhưng vẫn chưa khắc phục được 7 hạn chế của công tác thi đua khen thưởng (đã được chỉ ra trong thông báo 120 của Bộ Chính trị).

“Thi đua khen thưởng phải thực chất; Phải phát hiện và bồi dưỡng được những nhân tố điển hình; Giảm bớt hình thức khen thưởng; Khen thưởng chính xác; Nâng cao tiêu chuẩn khen thưởng Nhà nước và tránh trùng chéo thì luật chưa khắc phục được”, ông Dũng nhận định.

Theo ông Dũng đánh giá, trong những năm qua, công tác thi đua khen thưởng đã “lãng phí không ít tiền của nhưng tác dụng của thi đua không đáp ứng được yêu cầu đặt ra”.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Minh Thăng

5 năm khen thưởng 1 lần: Chưa kịp nhận đã qua đời

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề nghị cần tôn vinh kịp thời các nghệ nhân vì hiện nay, chưa có nghệ nhân nào được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

“Đó là những người đã dành cả đời tâm huyết để truyền lại những gì tinh túy của văn hóa dân tộc, trong khi đó đa số các nghệ nhân đều đã cao tuổi, nếu không có hình thức khen thưởng kịp thời trước khi quá muộn”, ĐB Minh nói.

Nhiều ĐB cũng đồng tình cho rằng cần có quy định hợp lý về thời gian xét danh hiệu do trên thực tế đã có tình trạng nhiều người được nhận danh hiệu nhưng khi trao tặng thì đã qua đời!

Về việc xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, dự thảo quy định: thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm 1 lần vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hàng năm như hiện nay.

Dự thảo luật cũng quy định thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay để việc tôn vinh đúng vào dịp đại hội Thi đua yêu nước các cấp và cũng phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước.

Sửa đổi, bổ sung điều 25 quy định về “Cờ thi đua của Chính phủ” 3 năm xét một lần, thay cho xét hàng năm như hiện nay. Thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” cũng là 5 năm 1 lần thay cho 2 năm 1 lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng 1 lần.

Phát biểu về điểm này, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng nếu 5 năm mới xét tặng các danh hiệu, giải thưởng 1 lần khiến thi đua, khen thưởng không kịp thời, vì vậy nên cân nhắc thời hạn này.

Ngoài chuyện “chưa kịp nhận đã qua đời” thì nhiều ĐB cũng băn khoăn, cho rằng quy định sẽ gây thiệt thòi cho những người có thành tích nhưng phải chuyển công tác hoặc đến thời hạn về hưu.

ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) cũng cho biết không nên căn cứ vào tuổi, thời gian công tác mà nên chủ động xem xét tặng thưởng dựa vào tài năng, năng lực sáng tạo, tránh tình trạng sống lâu lên lão làng hoặc bỏ lửng các nội dung khen thưởng cần thiết.

QH thông qua luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)

Chiều 18/6, với tỷ lệ tán thành 87,75% QH đã thông qua luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Cẩm Quyên