- Trong khi đại diện VKS đọc bản cáo trạng, Lê Văn Luyện cúi gằm mặt xuống. Có lẽ, hắn không bao giờ nghĩ một ngày, mình lại ra  tay tàn sát cả gia đình tiệm vàng Ngọc Bích một cách tàn ác như vậy.


Phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện và các bị cáo thi thoảng bị dừng lại bởi những tiếng thét của người nhà nạn nhân.

Ai cũng hiểu và thông cảm cho nỗi đau mà gia đình họ phải hứng chịu. Người nhà nạn nhân dù có cố gắng để quên đi vụ thảm sát đó, nhưng không thể.

Quên sao được, khi mỗi lần đi qua phố Sàn, lại thấy ngôi nhà đìu hiu, không có bóng người; quên sao được, khi mỗi lần có tiếng khóc trẻ thơ, ông nội cháu Bích lại rơm rớm nước mắt nhớ đến 2 đứa cháu nội của mình.



Một đã mất vì những nhát dao chí mạng khi mới 18 tháng tuổi. Một, bị chặt lìa cánh tay, đêm đêm vẫn giật mình thảng thốt gọi tên mẹ, tên bố, tên em.

Lần gặp ông Tín gần nhất, ông khóc mà bảo rằng: từng là lính chiến trường, 80 tuổi, ông chưa khóc bao giờ.

Vậy mà giờ đây, đêm đêm ông lại cố lau những giọt nước mắt chực trào trên hốc mắt khi bé Bích cứ luôn miệng hỏi: ông ơi, bố, mẹ cháu đâu?

Những lúc như thế, ông chỉ biết quay mặt đi và nói dối: bố mẹ con đang đi chữa bệnh ở nơi xa lắm. “Xa là ở đâu” - bé Bích lại hỏi  “Ở tận Hàn Quốc con ạ”.






Ông Tín hiểu, bây giờ mình còn có thể nói dối cháu nội. Nhưng, một hai năm nữa, làm sao mà giấu cháu mãi được.

Điều mà cả nhà lo nhất, đó là không hiểu sau khi biết sự thật, Bích sẽ thế nào, cháu có vượt qua được cú sốc, mất mát quá to lớn này không?

Vị đại diện Viện kiểm sát đọc chậm rãi bản cáo trạng. Từng lời, từng lời như những nhát dao cứa vào lòng người thân.

Chẳng ai kìm được lòng mình. Phía dưới, chị gái của chị Chín nấc lên: “Trời ơi, sao nỡ giết em tôi, sao nỡ giết cháu tôi. Nó mới 18 tháng tuổi”.

Những ai có mặt tại phiên tòa, đều cảm nhận đây như buổi tiễn đưa màu trắng, đầy nước mắt ngày 24/8 – khi hàng vạn người dân phố Sàn lặng câm tiễn đưa 3 linh hồn xấu số về bên kia thế giới.

Nếu như ngày đó, tất cả đều đớn đau, mắt dáo dác nhìn xung quanh như để kiếm tìm hung thủ thì giờ đây, mọi ánh mắt lại đổ dồn về người thanh niên mặc chiếc áo xanh nõn chuối, đầu cắt ngắn đang đứng cúi gằm mặt trước vành móng ngựa.

Gã thanh niên mang tâm hồn của quỷ có tên là Lê Văn Luyện.



Đứng trước vành móng ngựa, Lê Văn Luyện mặt tái mét. Buổi sáng, y còn dáo dác đưa ánh mắt để tìm người thân. Nhưng buổi chiều, y không dám quay lại sau. Bởi phía sau là lòng hận thù, là nước mắt, là di ảnh của 3 người vô tội, là ánh mắt trong veo của cháu Thảo khi vừa tròn 18 tháng tuổi.

Tôi đọc trong ánh mắt đó có chút ân hận muộn màng và cầu mong xin được tha thứ.

Nhưng, dù có rộng lượng đến bao nhiêu, có lẽ cũng chẳng ai thông cảm và tha thứ cho hành vi thú tính của hắn.

Ngoái lại phía sau, Luyện muốn tìm hơi ấm, tình thương và sự chở che của mẹ, của bố. Song, giờ, tất cả đều đã muộn. Mẹ y, từ ngày được công an trả về đã có những dấu hiệu bệnh tâm thần.

Bố y, vì thương con nên cuối cùng đã phạm tội mà không hay biết. Một ngày trước khi phiên tòa xử án diễn ra, Luyện lí nhí nói với tôi trong trại tạm giam: “Điều mà em ân hận nhất là vì em mà cả nhà phải vào vòng lao lý”.

Vị đại diện VKS đọc đến đoạn thương tích của các nạn nhân tại hiện trường… lúc này, Luyện mới bật khóc.

Y đưa tay lên khuôn mặt trắng trẻo quệt vội những dòng nước mắt. Có lẽ, đây giọt nước mắt hiếm hoi mà những ai đã từng tiếp xúc với Luyện bắt gặp.

Chắc hẳn, y đang khóc cho những tội lỗi mà mình đã từng gây ra.

Phía dưới, người nhà nạn nhân vẫn không kìm được lòng mình. Những lời mà vị đại diện VKS giữ quyền công tố đọc ra cứ như một nhát dao xoáy sâu vào nỗi đau của người thân. Họ khóc, tiếng khóc át cả lời khai lí nhí của Lê Văn Luyện.

Rồi đây, Lê Văn Luyện phải chịu sự trừng trị của pháp luật bởi những hành vi mà y gây ra. Nhưng, bản án lương tâm, có lẽ sẽ theo y suốt cuộc đời.

Chắc hẳn, hắn sẽ không bao giờ quên được ngày hắn đưa những nhát dao chí mạng để kết liễu 3 người dân vô tội. Và, chẳng bao giờ hắn quên được ánh mắt trong veo và nụ cười chúm chím của bé Thảo – giờ đã là người thiên cổ.

Hoàng Sang – Tuyết Nhung