- Các bị cáo đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, sách nhiễu để đòi và nhận hối lộ của lái xe 5 triệu đồng. Hành vi này đã cấu thành tội “Nhận hối lộ" theo điều 279 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 7 đến 15 năm tù giam.

Cho vay nặng lãi để nộp mãi lộ

Ngày 21/9, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Lê Hồng Duân (37 tuổi, nguyên thiếu tá), Nguyễn Thanh Hải (27 tuổi, nguyên trung úy) - Phòng CSGT Thanh Hóa và Nguyễn Văn Đôi (49 tuổi, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia) về tội “Nhận hối lộ”.

Vụ việc được phát giác sau khi báo Tuổi Trẻ TP.HCM đăng loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ, ghê hơn cướp cạn” của tác giả Hoàng Khương. Trong đó có việc đòi và nhận hối lộ của một số CSGT tỉnh Thanh Hóa.

Các bị cáo bị dẫn giải về trại giam sau khi kết thúc phiên toà

Sau đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm việc với báo Tuổi Trẻ để thu thập tài liệu và nhận đơn tố giác của các lái xe. Cáo trạng nêu những bị can nói trên bị cáo buộc đã có hành vi đòi hối lộ của lái xe, hồi cuối tháng 7/2011.

Theo tài liệu điều tra, xác định ngày 31/7/2011, tổ tuần tra kiểm soát do thiếu tá Lê Hồng Duân làm tổ trưởng và trung úy Nguyễn Thanh Hải, đại úy Lê Việt Hùng, trung tá Lê Hữu Sơn là tổ viên được giao nhiệm vụ tuần lưu và cảnh báo TNGT, không lập chốt kiểm tra. 

Vào khoảng 19h45, Duân đã chỉ đạo lái xe cùng những người trong tổ quay về nhà ông Nguyễn Văn Đôi (ở xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia) ăn cơm và lập điểm kiểm tra.

Khi lái xe Nguyễn Xuân Tình điều khiển xe tải (BKS 47P- 1352), chở gỗ chạy hướng Nghệ An - Hà Nội đến địa điểm trên thì bị Duân ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Cáo trạng ghi rõ, lúc này trên xe còn có nhà báo Nguyễn Văn Khương (tức Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ) đang đi theo để tác nghiệp.

Thấy hiệu lệnh, lái xe Tình cho dừng xe sau đó cầm toàn bộ giấy tờ xe và hồ sơ lô hàng và kẹp một tờ 200.000 đồng bên trong đến đưa cho Duân.

Khi cầm giấy tờ, Duân hỏi xe chở gì thì anh Tình trả lời chở gỗ mít. Sau đó Duân nhờ Nguyễn Văn Đôi kiểm tra. Sau khi Đôi báo cáo lại trên xe chở gỗ gụ chứ không phải gỗ mít nên Nguyễn Thanh Hải không đồng ý nhận 200.000 đồng mà đòi phải chi 5 triệu đồng.

Anh Tình xin “bồi dưỡng” 1 triệu đồng nhưng Hải không đồng ý và doạ đưa xe về chi cục kiểm lâm để làm một vụ điển hình.

Sợ bị giữ xe nên lái xe chấp nhận chi 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đủ tiền nên nhà xe xin đặt lại giấy tờ xe, giấy phép lái xe cho Hải để hôm sau quay lại đưa tiền. Hải không đồng ý mà yêu cầu chủ xe đặt giấy tờ vay tiền.  

Sau đó Nguyễn Văn Đôi nghe, biết chuyện đã cho vay 5 triệu đồng, lấy lãi 500.000 đồng/ngày và làm giấy vay nợ, cầm giấy tờ xe. Đôi đã đưa 5 triệu cho Lê Hồng Duân.

Khoản tiền này, trên đường về trạm, Duân chia đều mỗi người 800.000 đồng. Còn lại 2,1 triệu đồng Duân khấu trừ số tiền đã chi cho tổ ăn uống trong tuần.

Viện KSND xác định, vào tối 31/7/2011, việc lập điểm tuần tra, tiến hành dừng, kiểm tra xe, không ghi sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra kiểm soát là vi phạm. Ba CSGT đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, sách nhiễu để đòi và nhận hối lộ 5 triệu đồng thông qua sự giúp sức của Nguyễn Văn Đôi.

“Nghĩ là tự nguyện bồi dưỡng cho CSGT”

Bị cáo Lê Hồng Duân lý giải, “bị cáo nghĩ lái xe thông cảm với việc đi tuần tra trong đêm mưa gió của CSGT nên tự nguyện bồi dưỡng chứ không có sự bắt buộc hay vòi vĩnh lái xe. Cũng không yêu cầu lái xe phải cầm giấy tờ xe để lấy tiền đưa cho mình. Việc Hải có vòi lái xe phải đưa tiền thì lúc đó tôi ở bên trong quán nên cũng không biết”.

 

 

Chủ toạ hỏi Nguyễn Thanh Hải có kiểm tra xe gỗ không? “Được lệnh của anh Duân kiểm tra giấy tờ và xem xe chở gỗ gì. Khi kiểm tra xe phát hiện đó là gỗ gụ chứ không phải là gỗ mít như khai nhận của lái xe, Hải có báo cáo với anh Duân và yêu cầu bồi dưỡng 5 triệu”, bị cáo Hải đáp. 

Còn bị cáo Nguyễn Văn Đôi cho biết, dù mình không có trách nhiệm gì nhưng vẫn đi kiểm tra số gỗ trên xe vì “nể anh em”.

Khi được hỏi vì sao lại cho hai người không quen biết vay tiền? Đôi đáp, “thấy họ vào nhờ vay nóng 5 triệu để đổ xăng và sửa xe, tôi thấy thương nên đã đồng ý cho vay, rồi bảo họ bồi dưỡng thế nào thì tuỳ chứ không ép họ phải chi 500.000đ/ngày”.

HĐXX nhận định, “hành vi của Duân, Hải và Nguyễn Văn Đôi đã trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với lực lượng cảnh sát nói riêng và CAND nói chung”.

Các bị cáo bị tuyên phạt: Lê Hồng Duân mức án 36 tháng tù, Nguyễn Thanh Hải, 30 tháng tù giam và Nguyễn Văn Đôi chịu mức án 24 tháng tù.

Thanh Lê – Duy Tuấn