Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (27/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các sai phạm gần đây ở Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ông Vũ Đức Đam khẳng định với báo giới, việc Bộ GTVT bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải là “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo các quy định về cán bộ của Đảng và Nhà nước”.

“Thời điểm Bộ GTVT có văn bản đề nghị bổ nhiệm ông Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải là tháng 12/2011. Bộ Nội vụ, cơ quan thẩm tra đề nghị này, ra văn bản thẩm định vào tháng 1/2012”, ông Đam nói. “Tất cả đều trước thời điểm thanh tra có dự thảo kết luận vào tháng 2/2012. Trong tất cả các hồ sơ cho đến thời điểm báo cáo lên đều chưa có thông tin về các sai phạm của ông Dũng”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam.

Ông Đam nói thêm: “Không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, bởi theo luật, thanh tra không chỉ để phát hiện các sơ hở để phòng ngừa, mà còn để phát hiện các yếu tố tích cực, thanh tra là công việc hàng năm”.

Về việc Vinalines mua ụ nổi cũ, ông Đam nhận định: “Việc cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trọng việc mua các ụ nổi ở Vinalines là trái với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, có các dấu hiện vi phạm pháp luật về đầu tư, cụ thể là về đấu thầu”.

Ông Đam cho biết vụ việc đã các cơ quan điều tra, đã khởi tố vụ án, bị can và đã thi hành các biện pháp ngăn chặn đặc biêt với các bị can.

Nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, ông Đam cho biết ngay sau khi được cơ quan công an báo cáo về các dấu hiệu vi phạm ở Vinalines, Thủ tướng, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp chỉ đạo và có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Công an, Viện trưởng VKSND tối cao, cũng là các thành viên của ban chỉ đạo, tiến hành các công việc cần thiết để xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Với việc để sai phạm diễn ra lâu mới phát hiện, xử lý, ông Đam khẳng định “trách nhiệm liên quan đến ai, cơ quan nào đều sẽ được điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Ông Dương Chí Dũng.

Liên quan đến việc bàn giao một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines, ông Đam chỉ ra: Năm 2010, tình hình của Vinashin là không còn ban lãnh đạo, không còn vốn và các điều kiện cần thiết, nếu không có biện pháp thì một loạt các doanh nghiệp của Vinashin sẽ dẫn đến đổ vỡ, ảnh hưởng đến sản xuất và người lao động.

“Vì thế, Chính phủ đã thảo luận thận trọng việc chuyển nguyên trạng một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines, trên tinh thần cùng ngành nghề kinh doanh, với hai nguyên tắc: một là đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến các đơn vị giữa chuyển đi và chuyển về; hai là các doanh nghiệp được chuyển sang đều được hạch toán và xử lý riêng, không lẫn vào nhau. Ví dụ, trong khoản lỗ các năm của Vinalines (năm 2009 là trên 400 tỷ, 2010 là trên 1200 tỷ, 2011 là trên 2600 tỷ), vẫn rõ lỗ nào của Vinalines, lỗ nào của các doanh nghiệp Vinashin chuyển sang”.

“Bao trùm là đảm bảo ổn định, duy trì không để đổ vỡ sản xuất, không để người lao động mất việc”, ông Đam khẳng định.

Chủ nhiệm VPCP cho biết Bộ GTVT sẽ phải có ý kiến chính thức trả lời về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ liên quan đến vụ việc này. Đề án do Bộ GTVT xây dựng, trong đó có các khoản dự kiến đầu tư cho Vinalines, cũng đã, đang và sẽ tiếp tục được các cơ quan hữu quan, bộ ngành, doanh nghiệp, cộng đồng và báo chí, góp ý.

Nhấn mạnh “đối với một quốc gia biển như Việt Nam, việc phát triển ngành công nghiệp vận tải biển là rất quan trọng”, ông Đam cho rằng đề án phát triển ngành hàng hải của Bộ GTVT là đúng định hướng.

Xử nghiêm sai phạm

Với câu hỏi đặt ra đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau hai vụ việc Vinashin và Vinalines, ông Đam nhấn mạnh vai trò của DNNN cũng như đề cập đến đề án tái cơ cấu DNNN đang được trình QH, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu DNNN.

“Chúng ta đã tiến hành việc sắp xếp lại các DNNN từ nhiều năm nay, đảm bảo vừa giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa nâng cao hiệu quả về sản xuất kinh doanh, sử dụng các nguồn lực của đất nước và tạo môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng cho các doanh nghiệp”, ông Đam nói. “Tất cả các DNNN, không riêng Vinashin và Vinalines, đều chịu sự quản lý của pháp luật, trong Chính phủ đều có sự phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành, đúng theo chức năng nhiệm vụ, theo dõi, giám sát, chỉ đạo”.

“Hàng năm Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước đều có kế hoạch thanh tra, kiểm toán lần lượt các DNNN. Bất kỳ doanh nghiệp nào, qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đều chuyển cơ quan điều tra và mọi sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Chủ nhiệm VPCP khẳng định.

Ông Đam nhấn mạnh lại thông điệp nhất quán của Chính phủ từ trước đến nay, không đến khi có vụ việc Vinashin và Vinalines: Để giữ được vai trò chủ đạo của mình, các DNNN phải tiếp tục được sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Là những doanh nghiệp được nhà nước giao vốn và thực quyền kinh doanh, họ phải làm hết trách nhiệm; các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nâng cao trách nhiệm quản lý của mình đối với doanh nghiệp, không chỉ về vốn và tài sản hay cán bộ, mà còn cả chiến lược, định hướng phát triển kinh doanh theo lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ chuyên ngành”, ông Đam nói. “Đã sai phạm thì trước pháp luật tất cả doanh nghiệp đều bình đẳng, đều được xử lý nghiêm theo pháp luật. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm thì mới chấn chỉnh được”.

Chung Hoàng