Nếu sang Paris, các bạn sẽ thấy ẩm thực Việt Nam được ưa thích như thế nào! - tân Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier chia sẻ với báo giới bằng tiếng Việt.

Tự tin nói tiếng Việt điệu nghệ, dí dỏm, tân Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier gây cảm giác thân thiện, thoải mái với báo giới trong buổi ra mắt chiều 12/10. Khó tránh những cách thức trả lời rất ngoại giao khi phóng viên đặt câu hỏi hóc, song ông tỏ ra là nhà ngoại giao theo phương cách gần gũi, ưa sự chân thành.

'Tiếng Việt nhiều dấu lắm...'

Mở đầu cuộc gặp, thay vì xã giao nói vắn tắt tổng thể quan hệ chung - như lẽ thường thấy, ông đi thẳng vào vấn đề : “Tôi thích những món ăn Việt Nam”.

Ông hào hứng: “Thường Đại sứ phải nói về chính trị nhưng với tôi, ẩm thực là thiết yếu. Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam, nên phải nói trước. Nếu sang Paris sẽ thấy ẩm thực Việt Nam được ưa thích như thế nào!”

“Tại sao ông thích ẩm thực Việt Nam, món nào ông ưa thích nhất?”, phóng viên hỏi.

“Đó là vì nó chứa đựng sự đa dạng, phong phú. Mỗi món ăn thường đa dạng thành phần, thể hiện tính sáng tạo cao. Nhiều nước vẫn có món ăn truyền thống, nhưng thường là món chứa một thứ (thịt) và có chăng khác loại sốt. Tính sáng tạo không thể bằng món ăn Việt Nam. Như ở đây, chỉ riêng món canh thôi cũng đã có rất nhiều loại rồi” - Đại sứ miêu tả.

Tân Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier dự lễ mừng Quốc khánh Việt Nam tại Paris, tháng 9/2012. Ảnh: VOV

Ông chia sẻ "thích phở bò" vì "ngon, tốt cho sức khỏe". “Chất lượng bát phở nằm ở nước dùng. Nước dùng phở đặc biệt bởi gia giảm nhiều thành phần gia vị, mùi khác nhau" - Đại sứ miêu tả đầy say mê.

Ngoài sở thích ẩm thực, mê những món ăn Việt Nam, Đại sứ Jean-Noël Poirier sở hữu những yếu tố “kết nối” Việt Nam khá mạnh: vợ người Việt Nam, học tiếng Việt tại Đại học Paris 7, từng làm Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM cách đây 12 năm và bà của ông (người Pháp) được sinh ra ở Hội An….

Ông tỏ ra yêu thích tiếng Việt. “Đó là một ngôn ngữ đẹp, nghe rất hay”, ông nói và không quên nhắc một đặc tính của người Việt là thích chơi chữ.

“Nhưng nghe thế thôi, tiếng Việt nhiều dấu lắm, nên chơi chữ là tôi chịu” - ông cười dí dỏm.

Những “kết nối”, từ ẩm thực, ngôn ngữ, những mối quan hệ khiến ông gần một cách đặc biệt với Việt Nam, dễ khiến nhận diện như những chất liệu để ông thực hiện ý nguyện tạo “xung lực” cho mối quan hệ song phương.

Kỳ vọng nâng cấp quan hệ

Chia sẻ về ưu tiên hoạt động liên quan quan hệ song phương, Đại sứ Jean-Noël Poirier khoanh tròn hai mục tiêu lớn: hỗ trợ doanh nghiệp Pháp gia tăng đầu tư vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo Pháp, đặc biệt cấp cao, sang Việt Nam nhiều hơn.

Trong đó, ông chú trọng việc thúc đẩy tăng cường giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước. Ngay trong năm tới, Pháp sẽ tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Ông khẳng định các doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Về những chuyến thăm trao đổi, ông cho hay, đầu năm 2013 sẽ có chuyến thăm của Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Pháp. Hai bên sẽ cùng trao đổi để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, với dự án đang được hai bên kỳ vọng là dự án tàu điện ở Hà Nội.

Bên cạnh những ưu tiên, mục tiêu lớn hơn cả là cố gắng hoàn thiện khuôn khổ thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược, tạo cơ sở quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực, từ chính trị, cho đến an ninh - quốc phòng…

“Việt Nam có vai trò quan trọng trong khu vực. Cần tạo những xung lực để thúc đẩy quan hệ hai nước” - ông nói.

2013 sẽ là Năm giao lưu Việt - Pháp nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với chương trình hoạt động diễn ra đầy ắp trong năm tới, Đại sứ Jean-Noël Poirier muốn đây sẽ là một mốc mới trong quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam - hai đất nước tuy cách xa về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng.

Linh Thư - Hiền Anh