- Mới chỉ có hơn 2.000 chủ phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm dán thẻ E-Tag và cấp tài khoản giao thông thu phí tự động không dừng. Con số quá ít so với số lượt phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cho biết.

Nhiều tiện ích nhưng ít người thích

Anh Đoàn Thu Gia (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Do thường xuyên phải đi các tỉnh nên khi nghe triển khai dán thẻ E-Tag và cấp tài khoản giao thông thu phí không dừng, anh đã đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để làm thủ tục dán thẻ.

“Mỗi lần đi qua trạm thu phí, nếu nhanh cũng mất 30 giây đến 1 phút, chậm thì 5-7 phút, thậm chí nếu lượng xe lớn thì ùn tắc là khó tránh. Nếu áp dụng thu phí không dừng, lái xe không chỉ bỏ qua được công đoạn dừng xe trả tiền chờ xé vé mà còn tránh ùn tắc tại trạm thu phí”, anh Gia nói.

Anh Hồ Văn (ở Từ Liêm, Mỹ Đình) cũng cho hay, thu phí một dừng như hiện nay vừa làm chậm hành trình di chuyển, vừa tốn thêm nhiên liệu khi xe lưu thông. Vì thế khi áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm được nhiên liệu cho mỗi lần xe dừng đỗ - tăng tốc trở lại.

Tuy nhiên, anh Văn cũng lo ngại, nếu không áp dụng đồng bộ, hiệu quả đem lại sẽ rất thấp. Thậm chí, nếu không có chỉ dẫn từ xa thật tốt, lái xe đi lộn từ một dừng sang không dừng, gây ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, anh Hồ Ngọc Hoàng (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng, thu phí không dừng nghe qua rất tiện lợi, nhưng hiện nay đa số các trạm vẫn thu một dừng nên anh thấy chưa cần thiết phải dán thẻ E-Tag.

"Mỗi tháng tôi đi 5-7 lượt Hà Nội - Nghệ An, nhưng hiện các trạm đang thu phí một dừng nên tôi thấy chưa cần thiết phải dán thẻ ngay", anh Hoàng nói.

{keywords}
Sau một thời gian triển khai mới chỉ có hơn 2.000 chủ phương tiện dán thẻ E-Tag

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai, các trung tâm đăng kiểm mới cấp được khoảng hơn 2.000 thẻ E-Tag.

Lý giải về việc này, ông Trí cho rằng đây là dịch vụ mới nên nhiều chủ phương tiện còn cân nhắc.

Hơn nữa nhiều chủ phương tiện cho rằng còn có rất nhiều trạm thu phí chưa được lắp thiết bị thu phí không dừng nên chưa cần thiết phải dán ngay.

Ai quản lý tiền trong tài khoản giao thông?

Anh Cao Văn Du băn khoăn, khi áp dụng thu phí không dừng, nếu số tiền nạp trong tài khoản không đủ, xe sẽ không được qua trạm thu phí. Do vậy, để tránh tình trạng bị từ chối phục vụ, nhiều chủ phương tiện sẽ nạp dư số tiền vào thẻ tài khoản giao thông.

{keywords}
Tiền trong tài khoản giao thông sẽ được tính lãi suất như ngân hàng.

Vậy số tiền dư nằm trong tài khoản sẽ do ai quản lý và liệu tiền này có được tính lãi không?

Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết: Khách hàng có thể nộp tiền vào tài khoản thu phí giao thông bằng cách nộp tiền trực tiếp qua các đại lý của công ty CP VETC (Nhà đầu tư vận hành hệ thống thu phí không dừng), nộp tiền qua các trung tâm đăng kiểm hoặc chuyển khoản, thẻ cào.

Ông Trí nói, về mặt nguyên tắc, tài khoản này vẫn thuộc sở hữu của khách hàng. Khi khách hàng đi qua trạm thu phí thì số tiền sẽ được trừ từ tài khoản trung gian sang tài khoản của VETC.

Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc công ty cổ phần VETC: Số tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ được tính lãi như ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn, tiền trong tài khoản cũng do ngân hàng quản lý.

Ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch Ban QLDA An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho hay, thực tiễn áp dụng thu phí không dừng tại 2 trạm thu phí Đắk Nông (QL14) và Quảng Bình (QL1) cho thấy, phương tiện dán thẻ E-Tag không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian qua trạm thu phí mà còn đảm bảo tính minh bạch trong thu phí.

Đối với các chủ dự án BOT, khi áp dụng thu phí không dừng sẽ giảm được nhân công tại trạm thu phí, đồng thời giảm chi phí in phát hành vé như thu phí thủ công hiện nay.


Vũ Điệp