- "Bộ GTVT chỉ đạo đến 31/12, phải xong phần xây lắp, còn vận hành phải 6 tháng đầu năm sau"- Bộ trưởng GTVT - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho biết.

Tại cuộc họp thường trực Ủy ban ATGT quốc gia sáng nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban đặt câu hỏi: "Liệu đến 31/12, Bộ GTVT cho chạy thử tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được không?"

Đáp lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: Thời gian vừa qua dự án đang được gấp rút, tốc độ thi công cũng như giải ngân vốn được nâng lên đáng kể. Bộ GTVT vẫn chưa có gì thay đổi 31/12/2016 phải xong phần xây lắp, còn vận hành phải 6 tháng đầu năm

“Nếu mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì tuyến đường sắt trên cao mới vận hành được”, Bộ trưởng Nghĩa nói.

{keywords}
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.

Trước đó, Bộ GTVT cho biết, dự kiến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào chạy thử từ 31/12 và không thể chậm trễ hơn.

Chưa thể cấm xe máy vào năm 2025

Cũng tại cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết đã trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội về lộ trình lúc nào Hà Nội hạn chế phương tiện xe máy, năm 2025 có được không?

Về vấn đề này, trước đó ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ “lấy xây để cấm” - phát triển phương tiện vận tải công cộng bổ sung tương ứng số phương tiện cá nhân bị cấm.

Ông Viện cũng cho hay, Hà Nội đã đưa ra lộ trình đến năm 2025 phải cơ bản đầu tư được hạ tầng khung gồm các tuyến đường vành đại 1, 2, 3, 4, thậm chí cả vành đai 5. Các tuyến đường xuyên tâm cũng phải được cải thiện để đi lại thuận tiện.

Riêng với các phương tiện công cộng tốc độ nhanh vận chuyển lớn, đến năm 2025 Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị. Đã có 2 tuyến đang được xây dựng, sắp hoàn thành.

“Thành ủy Hà Nội đã giao Sở GTVT xây dựng đề án cụ thể và sẽ trình UBND TP trong năm nay”, ông Viện nói.

Mặc dù, Hà Nội rất quyết tâm, tuy nhiên Bộ trưởng Nghĩa cho rằng, qua ý kiến của một số nhà phân tích lại cho rằng thời điểm 2025 chưa thế cấm được xe máy.

"Một trong những lý do đưa ra là do phương tiện vận tải công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân" - lời Bộ trưởng.

Vũ Điệp