- Với 2000 xe buýt cho quảng cáo bên ngoài, mỗi năm TP sẽ thu ngân sách hơn 100 tỷ đồng, góp phần giảm số tiền trợ giá cho xe buýt.

UBND TP HCM vừa giao Sở GTVT hoàn chỉnh báo cáo kết quả đề án thí điểm quảng cáo trên thân xe buýt; đồng thời phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai mở rộng quảng cáo cho các tuyến còn lại trên địa bàn với hơn 2.000 chiếc.

{keywords}
Với 2000 xe buýt cho quảng cáo trên thân xe, mối năm TPHCM thu về ngân sách hơn 100 tỷ đồng

Theo Sở GTVT, trong đợt quảng cáo thí điểm trên 171 xe buýt có trợ giá thuộc 10 tuyến bắt đầu từ tháng 4/2016 đã thu được 14,6 tỷ đồng, tăng 40% so với dự kiến để nộp vào ngân sách TP.

Qua đó, TPHCM nhận thấy, việc thí điểm quảng cáo trên thân xe buýt được cho là không gây mất mỹ quan đô thị, không gây mất an toàn giao thông như lo ngại. Do đó, lãnh đạo TP đã đồng ý cho triển khai thêm 2.000 xe buýt nữa.

Theo tính toán, nếu quảng cáo trên hơn 2.000 xe buýt, thành phố sẽ thu được hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, góp phần giảm số tiền trợ giá cho xe buýt. Trong khi đó, hàng năm ngân sách TP HCM phải “rót” hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho phương tiện vận tải hành khách công cộng này.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP yêu cầu việc quảng cáo phải đúng quy định pháp luật (về nội dung, hình thức…); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia; đảm bảo hàng Việt Nam và hàng do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ tham gia từ 50% trở lên.

Ngoài ra, phải dành 20% tổng số lượng xe để phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động chính trị. Đấu thầu công khai chọn đơn vị khai thác quảng cáo, quản lý đối với toàn bộ các phương tiện (có trợ giá và không trợ giá). Thời gian hợp đồng quảng cáo là 3 năm, mỗi năm có điều chỉnh giá hợp đồng theo tỷ lệ trượt giá được công bố…

Thảo Nguyên