- CSGT Đồng Nai khẳng định làm đúng quy trình trong việc cẩu cả xe cùng nữ giám đốc về trạm xử lý khi người này quyết “cố thủ”, còn nữ tài xế lại nói cảnh sát làm không đúng và dọa kiện.
Nữ tài xế Trần Thị Hà dọa kiện CSGT Đồng Nai nếu bị xử phạt lỗi mà chị cho rằng mình không vi phạm. |
Sau khi ra hiệu lệnh dừng, tổ CSGT báo lỗi vi phạm và yêu cầu nữ tài xế xuất trình giấy tờ.
Tuy nhiên, người phụ nữ đã phóng xe chạy, tổ CSGT dùng xe đặc chủng đuổi theo. Chạy được khoảng 2 km, xe của nữ tài xế rẽ vào cổng một công ty ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa.
Do cổng công ty đóng, CSGT chặn được xe, phối hợp với công an xã yêu cầu xuất trình giấy tờ nhưng nữ tài xế cương quyết không xuống xe.
Sau gần 2 giờ sau thuyết phục không được, CSGT phải điều xe cẩu chuyên dụng đến cưỡng chế, cẩu cả xe cùng nữ tài xế ngồi bên trong đưa về đồn xử lý.
Trạm TTKSGT Ngã ba Thái Lan đã lập biên bản nữ giám đốc Trần Thị Hà 6 lỗi vi phạm luật giao thông gồm không chấp hành tín hiệu đèn, không chấp hành hiệu lệnh, không mang theo giấy đăng ký xe, không mang bằng lái, không có đăng kiểm xe, không mang theo bảo hiểm xe. Tổng số tiền phạt chị Hà phải nộp là 4,6 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng, nữ tài xế “cố thủ” trong xe là không đúng và việc CSGT cẩu cả xe và người về đồn xử lý là cương quyết thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người lại cho rằng CSGT làm như vậy là phản cảm, đi quá giới hạn thẩm quyền. Trong sự việc này, có thể xử lý bằng cách khác hợp tình hợp lý hơn.
Về vấn đề này, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công An về quyền hạn của CSGT thì họ được phép áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc “những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, theo luật sư Út, cần hiểu việc “tạm giữ người trên phương tiện, người điều khiển phương tiện” trong trường hợp này có thuộc diện cần thiết để áp dụng việc cẩu xe lẫn người về đồn hay không thì cần xem lại lỗi và mức độ lỗi của người vi phạm để có các biện pháp tương xứng.
Sự việc CSGT phải cẩu cả xe và người về đồn giải quyết gây xôn xao dư luận. |
"Quy định trên không nêu rõ về vi phạm pháp luật hình sự hay pháp luật về hành chính, và mức độ vi phạm đến mức độ nào thì được áp dụng đến biện pháp này. Nhưng với quy định như Thông tư 01/2016 thì phía CSGT trong trường hợp này có thể hiểu là họ được phép làm việc ấy", vẫn lời luật sư Út.
Luật sư Phạm Công Út nói tiếp, qua sự việc này, những người tham gia giao thông cần có thái độ hợp tác để tìm hiểu về lỗi vi phạm hành chính của mình, không nên “cố thủ” trong xe để thách thức hoặc bất hợp tác với CSGT khiến “chuyện bé có thể xé ra to”, có khi “được vạ thì má sưng”, hoặc thay vì một lỗi sẽ mắc phải nhiều lỗi hơn, từ lỗi nhẹ thành lỗi nặng hơn.
Trước đây cũng đã từng có hình ảnh một cô gái ngồi chiễm chệ trên chiếc xe tay ga khiến lực lượng dân phòng phải khiêng cáng xe lẫn người, có người thích thú nhưng cũng có nhiều người giận dữ với hình ảnh đó.
"Có thể từ đó mà Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an đã cho phép lực lượng CSGT được hợp thức hóa biện pháp cưỡng chế xe và cả người ngồi trong xe bằng cách…cẩu người và xe về đồn để xử lý", luật sư Phạm Công Út nhận định.
Vào ngày 19/9, CSGT Đồng Nai sẽ làm việc với nữ tài xế Trần Thị Hà để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc xử phạt.
Nữ tài xế nói sau khi nhận biên bản xử phạt, sẽ khiếu nại hoặc kiện CSGT nếu bị xử phạt lỗi mà chị cho rằng mình không vi phạm.
Thạch Quý