- Sáng nay, Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức lớp tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử đại biểu QH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho PV, BTV các cơ quan báo chí khu vực các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

Phát biểu tại cuộc tập huấn, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trải qua 13 khóa QH, QH nước ta không ngừng được kiện toàn đổi mới và phát triển, xứng đáng là cơ quan đại diện dân cử cao nhất của nhân dân, đồng thời là cơ quan quyền lực cao nhất.

Theo Bộ trưởng, công tác thông tin báo chí góp phần rất quan trọng trong việc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Qua công tác tuyên truyền làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ hơn mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị quan trọng này.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai giảng tập huấn

Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong QH, HĐND các cấp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nâng cao nhận thức cho các cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bầu cử.

Đặc biệt, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo sự thành công của cuộc bầu cử. Chủ động đấu tranh có hiệu quả những âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử, chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bộ trưởng cho hay, thời gian qua các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn hơn 1 tháng, với ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt 7 nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về cuộc bầu cử đại biểu QH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các cơ quan báo chí tiếp tục mở chuyên trang, chuyên mục, có những bài viết, đưa tin bài hoạt động tuyên truyền bầu cử ở tất cả các địa phương, các đơn vị bầu cử.

Thứ 2, báo chí cần giới thiệu nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ VN như chỉ thị 51 của Bộ Chính trị, chỉ thị 01 của Thủ tướng, các văn bản chỉ đạo của UB TVQH, Hội đồng bầu cử quốc gia, các văn bản hướng dẫn triển khai công tác bầu cử của UB TƯ MTTQ VN và các cơ quan chức năng..

Đặc biệt làm rõ một số điểm mới trong chỉ thị 51 lần này, đó là giới thiệu những người tiêu biểu có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực điều kiện thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Lãnh đạo bầu đủ số lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp bằng việc coi trọng chất lượng đại biểu, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách...

Thứ 3, tuyên truyền chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của QH và HĐND các cấp, tuyên truyền thành tựu QH, HĐND qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới của QH trong hoạt động lập pháp, trong giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, hệ trọng của đất nước, của HĐND trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, vai trò trách nhiệm của QH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016 - 2021 và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Thứ 4, giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND lần này, đó là những điều chỉnh bổ sung cụ thể về bộ máy công tác bầu cử từ TƯ đến địa phương, việc quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm quyền hạn, phối hợp của các cơ quan đơn vị phụ trách bầu cử, quy trình đề cử và ứng cử, việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do TƯ giới thiệu.

Thứ 5, tuyên truyền về tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH quy định tại luật Bầu cử QH và tiêu chuẩn đại biểu HĐND quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ 6, tuyên truyền về quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử, các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri, các quy định trình tự thể thức bầu cử.

Trong tuyên truyền các ứng cử viên, các cơ quan báo chí phải tuyên truyền một cách bình đẳng, không phân biệt giữa người ứng cử được các cơ quan chức năng giới thiệu và người tự ứng cử, không phân biệt người có chức vụ cao với người không có chức vụ cao.

Thứ 7, tuyên truyền về sự tham gia tích cực của nhân dân với cuộc bầu cử, kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử, biểu dương kịp thời những đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo.

Công tác tuyên truyền cần tập trung vào đối tượng các tầng lớp nhân dân; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang nhân dân cho đến khi có kết quả bầu cử.

Hồng Nhì