HTML clipboard

- Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thừa nhận nguyên nhân bệnh nhân chết bất thường sau khi tiêm thuốc là do sốc thuốc kháng sinh...


Chiều 14/4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam thừa nhận: “Liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Văn Trực (74 tuổi ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào khoảng 15g30 chiều 12/4 tại Khoa ngoại chấn thương là do bị sốc thuốc kháng sinh cefuroxime dùng để chữa trị nhiễm trùng ngoài da, bị bỏng còn gọi là sốc phản vệ".

Tuy nhiên, ông Hai khẳng định đây là “tai nạn nghề nghiệp và không có gì nghiêm trọng! Bệnh nhân Trực bị bỏng cẳng chân cấp độ 1, 2 không nguy hiểm, tuyến điều trị đầu tiên là Trung tâm y tế TP.Tam Kỳ, nhưng theo giấy chuyển viện bệnh nhân Trực bị “bệnh tim” và có triệu chứng loạn thần mới chuyển viện. Qua 5 ngày điều trị tại Khoa ngoại chấn thương vẫn bình thường, không hề có chuyện gì xảy ra”.

Giấy tờ liên quan đến điều trị cho ông Trực tại bệnh viện
Tuy nhiên, tất cả người nhà ông Trực khẳng định, ly do chuyển viện ông Trực lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam vào ngày 7/4, là trước đó một ngày, người nhà có cho ông uống thuốc ngủ (vì ông Trực mất ngủ) do Trung tâm y tế TP.Tam Kỳ cấp, uống xong ông Trực có biểu hiện căng thẳng thần kinh, nói sảng.

Trung tâm y tế TP.Tam Kỳ có đo điện tim và bác sĩ bảo tim bình thường, chỉ có dư lượng kali trong máu. Nhưng thấy không yên tâm nên người nhà yêu cầu chuyển viện. Ông Trực không hề có bệnh tim như Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam nói.

Bà Liễu, vợ nạn nhân đau đớn kể: “Cách đây hai ngày, chính điều dưỡng Thảo đã không chịu bôi nước muối cho băng mềm ra không còn dính vào da non trước khi tháo băng dán ở vết bỏng cho chồng tôi nên đã làm lớp da non dính vào băng làm rướm máu khiến chồng tôi rất đau đớn. Tôi hỏi điều dưỡng Thảo, sao cô không bôi nước muối trước khi tháo băng như các điều dưỡng khác cũng làm cho chồng tôi vậy, điều dưỡng Thảo thản nhiên đáp: “Bà biết chi mà nói!”.

Theo bà Liễu, ngay sau khi phát hiện ông Trực bị sốc thuốc sau khi rút mũi kim tiêm ra với biểu hiện co giật, tím tái, nổi mẩn đỏ toàn thân và sùi bọt mép ở miệng, bà Liễu hoảng hốt chạy theo kêu điều dưỡng Thảo vào lại xem xét, kiểm tra cứu chữa cho chồng mình, nhưng điều dưỡng này tỏ thái độ lạnh lùng.

Còn ông Nguyễn Văn Hai nói: “Nếu đúng như người nhà bệnh nhân phản ánh về điều dưỡng tên Thảo của Khoa ngoại chấn thương, tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh ngay thông tin này. Nếu đúng, có chuyện thiếu tế nhị này thì bệnh viện sẽ xử lý nghiêm. Thật sự, đến bây giờ, tôi cũng không biết điều dưỡng nào đã chích thuốc kháng sinh cho bệnh nhân Trực. Nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Trực sẽ được làm rõ từ kết luận của giám định pháp y”.

Tuy nhiên, gia đình ông Trực đã không cho mổ khám nghiệm tử thi.

Vũ Trung - H.S

>> Một bệnh nhân tử vong nghi do sốc thuốc