- Nếu bình chữa cháy phát nổ gây thiệt hại cho người dân thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Luật sư kiến nghị Bộ Công an nên thu hồi thông tư này.

Nếu có cháy nổ, kiện ai?

Có rất nhiều ý kiến trái chiều từ khi thông tư 57 được áp dụng từ 6/1. Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là nếu các điều kiện được đảm bảo mà vẫn có sự cố cháy nổ xảy ra do việc trang bị bình chữa cháy, chủ xe sẽ khởi kiện ai?

Bạn đọc Đức Minh Tùng đưa ý kiến: Nếu trời nắng to, xe đỗ ngoài trời quá lâu, nhiệt độ trong xe có thể lên đến trên 60 độ C khiến bình chữa cháy không may nổ thì ai sẽ nhận trách nhiệm bồi thường?

{keywords}
Người dân đang rất lo lắng với quy định phải trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô.

Luật sư Hoàng Tùng (VPLS Trung Hòa, Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: Sẽ xảy ra hai trường hợp:

Nếu nổ bình cứu hỏa, gây cháy nổ xe được xác định do lỗi của nhà sản xuất (bình cứu hỏa), chủ xe sẽ khởi kiện nhà sản xuất bình cứu hỏa.

Tuy nhiên, trong trường hợp này sẽ cần đến các cơ quan chức năng liên ngành cùng ngồi phân tích, khám nghiệm, xác định nguyên nhân. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực, nếu không nói là sẽ khó để đưa ra được kết luận có phải nguyên nhân nổ là do bình cứu hỏa hay không?

"Cơ quan ban hành thông tư 57 (Bộ Công an - PV) nên thu hồi lại quy định này"

Luật sư Hoàng Tùng

Nếu lỗi không do nhà sản xuất mà lại do cơ quan ban hành văn bản thì người bị thiệt hại có thể kiện cơ quan ban hành văn bản (trong trường hợp này là Bộ Công an - PV).

Luật sư Đặng Văn Cường (VP Luật sư Chính Pháp) đồng tình với luật sư Tùng và nêu ý kiến: Thông tư của Bộ Công an yêu cầu trang bị bình chữa cháy mà không hạn chế điều kiện thời tiết.

Nếu trên bình cứu hỏa có ghi "bảo quản ở nhiệt độ không quá 40 độ C", thì trong trường hợp bình cứu hỏa/xe phát nổ khi để lâu dưới nắng nóng (nhiệt độ lên tới 70-80 độ C) thì lỗi không thuộc về nhà sản xuất nữa (vì đã có cảnh báo về điều kiện bảo quản).

"Trong trường hợp trên, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản (thông tư 57 - PV) bồi thường thiệt hại" - luật sư Cường cho hay.

Nếu cần thiết, nhà sản xuất sẽ tự trang bị bình chữa cháy

Từ góc độ là một người dân có xe ô tô và chịu sự điều chỉnh của thông tư 57, luật sư Tùng đánh giá quy định trên là "không cần thiết, áp đặt".

"Các hãng sản xuất xe có kinh nghiệm hàng trăm năm đã có nhiều nghiên cứu đảm bảo an toàn ở mọi khía cạnh, sau đó mới đưa xe ra thị trường. Nếu cần thiết phải có một bình cứu hỏa mini trong xe, không cần đến quy định của cơ quan nhà nước, tự các hãng sản xuất đã thiết kế và trang bị sẵn các thiết bị này” - luật sư Tùng chia sẻ.

Về lý thuyết chế tạo ô tô, các nhà sản xuất hiện nay hướng đến việc chế tạo bằng các vật liệu ngăn không cho vụ cháy lan nhanh. Với ô tô con, rất ít nhà sản xuất trang bị bình cứu hỏa. Việc này chủ yếu trang bị cho xe khách và cũng chỉ nhằm mục đích ngăn vụ cháy lan nhanh để khách thoát nạn.

{keywords}
Việc quy định bắt buộc các xe ô tô trang bị bình cứu hỏa khi chưa đảm bảo các yếu tố an toàn của thiết bị này sẽ nảy sinh thêm nguy cơ cháy nổ khi xe tham gia giao thông?!

Anh Tùng cũng đánh giá nội dung thông tư 57 quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới là "thiếu chặt chẽ và không hợp lý".

Bởi đặc thù của một vụ cháy ô tô thường xảy ra ở bộ phận máy dưới nắp ca-pô hoặc gầm xe nên bình dung tích nhỏ khó có tác dụng. Thậm chí, vụ cháy ô tô dễ dẫn đến nổ bình xăng, với bình chữa cháy nhỏ phải tiếp cận gần hiện trường, lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho người tự cứu chữa bằng bình cứu hỏa mini.

Hơn nữa, khi xảy ra cháy nổ, tâm lý chung của người ngồi trong xe là nhanh chóng thoát ra khỏi xe chứ không đủ bình tĩnh để lấy bình cứu hỏa để tự dập lửa.

Cơ quan chức năng "cẩn thận quá"?

Anh Bùi Ngọc Lam, chủ một gara chuyên mua bán, kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng tại đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Thông tư 57 áp dụng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua bán xe cũ.

“Khách hàng thì thấy phiền toái, còn với dân trong nghề như chúng tôi, việc trang bị thêm bình cứu hỏa mini trong xe (con) là việc làm… cẩn thận quá của cơ quan chức năng. Nhà sản xuất họ không trang bị thiết bị này trong xe vì họ đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn cho phương tiện.

Đã có một vài trường hợp bình cứu hỏa mini trong xe hơi tự phát nổ do thời tiết nắng nóng. Người sử dụng, đương nhiên đành phải coi đó là vận hạn. Thứ hai, nếu trang bị bình cứu hỏa, có lẽ sẽ phát sinh thêm khoản phí mua… bảo hiểm cho thiết bị được trang bị thêm này” – anh Lam cho hay.

Kiên Trung