- Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu thì người dân sẽ được công bằng hơn trong quyền khám chữa bệnh, đi học, làm việc...
Theo chị Trần Thị Hương (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội), sổ hộ khẩu về bản chất là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình. Đây chỉ là cuốn sổ mỏng ghi thông tin của cá nhân trong hộ gia đình, “nhưng việc gì, chuyện gì người ta cũng đòi hộ khẩu”.
Chị Hương kể: “Cách đây hơn 10 năm, khi mới ra trường, cầm hồ sơ xin việc, tôi bị từ chối thẳng thừng với lý do ‘công ty chỉ tuyển người có hộ khẩu Hà Nội...’. Rồi khi bố mẹ tôi muốn mua nhà cho mấy chị em làm việc, học hành ở Hà Nội cũng không được bởi không có hộ khẩu thì không thể làm được giấy tờ sang tên”.
“Bây giờ công nghệ phát triển, có thể tích hợp, cập nhật thông tin trên một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu bỏ được hộ khẩu cho dân thì tốt - vừa giúp mọi người được quyền tự do cư trú, vừa đỡ tốn kém, phiền hà” - lời chị Hương.
Cô Nguyễn Thị Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho rằng, hộ khẩu quản lý về số lượng người trong gia đình và địa chỉ cư trú là khá quan trọng.
Ủng hộ việc bỏ hộ khẩu, tuy nhiên, cô Mai vẫn lo ngại nếu bỏ thì việc xác định mối quan hệ sẽ khó khăn hơn như với chồng thì phải mang giấy kết hôn, con lại phải mang giấy khai sinh.
Cũng theo cô Mai, khi chuyển đến nơi sống mới thì hộ khẩu là cách quản lý tốt hơn nhiều so với KT3 (sổ tạm trú dài hạn). Vì KT3 nhiều người sẽ không bao giờ khai báo nên cảnh sát khu vực không nắm được.
Theo chị Trần Thu Giang, cán bộ làm quản lý hành chính tại một tỉnh, nếu bỏ hộ khẩu sẽ có bất cập như khi làm thẻ căn cước công dân, nếu không có sổ hộ khẩu thì không có gì để đối chiếu, chứng minh.
“Trẻ con sinh ra thời điểm này đã có số định danh cá nhân sẵn, chỉ cần gõ số đó sẽ ra toàn bộ thông tin. Nhưng người trước thời điểm đó không có số định danh nên vẫn phải làm căn cước công dân, nếu không có sổ hộ khẩu thì sao làm được vì quy định sổ hộ khẩu là thủ tục bắt buộc”, chị Giang nghi ngại.
Kiểm soát cư trú theo mã số định danh
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) nói, ông ủng hộ chính sách ‘bỏ sổ hộ khẩu’ mới được Chính phủ thông qua.
"Tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ có những buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể trước khi chính sách trên đi vào thực tế đời sống” - ông Lộc nói.
Theo ông, nhiều năm qua chúng ta quản lý dân cư, cư trú và các thủ tục hành chính đều cần sổ hộ khẩu nên cán bộ ở phường cũng hình thành thói quen khi làm việc. Tuy nhiên, việc thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội là điều nên làm.
Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ công an phường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách bỏ sổ hộ khẩu của Chính phủ.
"Việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm soát cư trú theo mã số định danh sẽ rút ngắn thời gian làm việc, thủ tục hành chính” - vị cán bộ công an nói.
Có lộ trình
Cơ bản đồng tình quyết định bỏ hộ khẩu và CMND, ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà chỉ ra chuyện quản lý dân cư theo hộ khẩu có cả ưu và nhược điểm.
Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Anh |
Quản lý hộ khẩu sẽ có khả năng quản lý việc di cư, di dân, bảo đảm phát triển KTXH, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Ngược lại, về nhược điểm, khi người có hộ khẩu ở 1 nơi nhưng tạm trú lại ở nơi khác thì sẽ bị ảnh hưởng một số quyền lợi và tạo ra sự không công bằng như quyền khám chữa bệnh, BHYT, đi học, làm việc ở các cơ quan công.
Ông Hà cho rằng, bỏ hộ khẩu thì người dân sẽ có thuận lợi là khắc phục được nhược điểm của việc quản lý dân cư theo hộ khẩu và được công bằng hơn.
Ngoài ra, trên cơ sở thuận lợi đó sẽ khắc phục được những tiêu cực tham nhũng có thể xảy ra liên quan đến quản lý dân cư bằng hộ khẩu.
Theo ông Hà, việc thay đổi từ sổ hộ khẩu sang thẻ căn cước, mã số định danh phải có đánh giá tác động xem việc bỏ thời điểm nào, lộ trình cụ thể, xác định những mặt tích cực và tiêu cực và phải có thời gian chuyển tiếp.
Ông cũng cho hay, hiện những nước quản lý theo hộ khẩu còn rất ít như Trung Quốc, Triều Tiên, còn hầu hết các nước đều chuyển đổi sang quản lý mã số định danh và thẻ căn cước.
Đồng quan điểm, ông Lộc nói: “Để chính sách vào cuộc sống hiệu quả, trước mắt phải có thời gian làm quen, có hướng dẫn cụ thể để triển khai trong thực tế chứ không phải nói bỏ là bỏ được ngay”.
Bỏ hộ khẩu: Đi tay không lên quận làm sổ đỏ
Với việc thực hiện Nghị quyết 112, trong tương lai gần, người dân sẽ đi tay không để làm thủ tục đăng ký kết hôn, sổ đỏ...
Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân
Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu phương án quản lý cư trú thông qua mã số định danh thay vì sổ hộ khẩu.
Bỏ sổ hộ khẩu: Toàn văn Nghị quyết 112
Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu sắp biến mất
Trong tương lai không xa, người dân có thể vay ngân hàng, đăng ký kết hôn, thi bằng lái xe, nộp thuế… chỉ với 1 dãy số duy nhất được cấp ngay từ khi sinh ra.
Hộ khẩu còn tồn tại đến bao giờ?
Thảo luận tại tổ dự thảo luật Cư trú sửa đổi chiều nay (24/5), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định: Nếu không khéo thì cách làm này sẽ bị hiểu sang nghĩa làm luật để chống tội phạm.
Đừng làm khổ dân vì hộ khẩu
Đa số bạn đọc ngỡ ngàng với quy định mới của dự thảo luật Cư trú về việc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên sẽ bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu.
Hương Quỳnh - Đoàn Bổng