- Trước phản ánh của ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) về nỗi lo của học sinh và phụ huynh trước kỳ thi THPT quốc gia đổi mới sắp đến, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trấn an đã thi phần lớn sẽ đạt, các cháu cứ yên tâm ôn tập.

Chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT chiều nay, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, đặt vấn đề năm ngoái, kỳ thi này do các tỉnh và các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức thi và chấm điểm, kết quả cao, 98-99%. Năm nay do các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì, có sự lo lắng là các cơ sở này làm nghiêm có thể tỉ lệ tốt nghiệp thấp.

{keywords}

ĐB Trịnh Ngọc Thạch: Dân lo tỉ lệ tốt nghiệp năm nay thấp

"Nhân dân lo lắng như vậy, Bộ trưởng có giải pháp nào để tình trạng lo lắng này chấm dứt?", ĐB Hà Nội hỏi.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trấn an đã thi tốt nghiệp phổ thông phần lớn sẽ đạt, không thể có sự thay đổi đột ngột. Việc chấm và coi thi đều có những quy chế, Bộ đã tính toán barem điểm kỹ càng để cho quá trình thi cử nghiêm túc.

"Các cháu yên tâm ôn tập, làm bài cố gắng nhất. Các thầy cô sẽ trân trọng, ghi nhận kết quả của các cháu, không để cú sốc lớn cho xã hội trong quá trình triển khai" - Bộ trưởng nói trước QH và cử tri cả nước.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của ngành giáo dục về kỳ thi đổi mới năm nay là một hoạt động giáo dục quan trọng, không để chỗ cho sự không trung thực, gian lận trong thi cử phá hoại quá trình giáo dục.

XEM CLIP:

38 cụm thi, các cháu đi gần hơn

Phó đoàn ĐBQH Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh phản ánh thi theo cụm chưa được xã hội đồng thuận cao. Ở nhiều địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp là lớn, nhiều nơi trên 50%. Ông băn khoăn cách tổ chức thi theo cụm có tác động đến tỉ lệ này không, có lấy đi cơ hội vào ĐH của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không.

{keywords}

ĐB Nguyễn Tiến Sinh: Thi theo cụm chưa được xã hội đồng thuận cao

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết có hai loại cụm thi. Theo đó, học sinh chỉ có nhu cầu thi để xét kết quả thì thi tại huyện, không có gì khó khăn so với trước khi đổi mới.

"Với học sinh thi để xét tuyển ĐH, trước khi đổi mới, các cháu phải khăn đùm cùng ông bà, bố mẹ về Hà Nội hoặc TP.HCM, hoặc một trong 4 cụm thi lớn là Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh và Hải Phòng, đi quãng đường xa. Bây giờ, với 38 cụm thi, khoảng cách đi của các cháu sẽ gần hơn. Thay đổi này không làm các cháu và gia đình vất vả, khó khăn thêm, đi một lần và thi một lần", ông Luận chỉ ra.

Phó đoàn ĐBQH Long An Nguyễn Minh Lâm nghe vậy chất vấn Bộ trưởng về điều kiện hạ tầng, nơi ăn ở, sinh hoạt ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cho kỳ thì sắp tới, không chỉ là nỗi lo của phụ huynh học sinh mà còn là gánh nặng của chính quyền địa phương nơi tổ chức thi.

Bộ trưởng Giáo dục khẳng định ngành đã làm việc kỹ với các địa phương. Cho đến thời điểm này, UBND các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, các sở ban ngành cũng chủ động tham gia để chủ động bố trí các điều kiện phục vụ tốt nhất cho các thí sinh. Nhiều tổ chức chính trị xã hội cũng tham gia việc xe cộ chở thí sinh đi lại, nhà ở miễn phí, hỗ trợ tiền nong...

Đủ phát triển để không chấm điểm tiểu học?

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) quan tâm việc đánh giá học sinh tiểu học có thực tế khen thưởng cuối năm, nơi thì giáo viên khắt khe, đi thi có giải thì mới được khen, nơi lại quá dễ, em nào cũng được khen, kể cả viết chữ đẹp. Cơ quan của các phụ huynh không biết khen thưởng các cháu thế nào vì không có xếp lực.

{keywords}

ĐB Nguyễn Văn Minh: Khen thưởng cuối năm nơi khắt khe, nơi quá dễ

Bộ trưởng GD-ĐT tin rằng đây là một bước chuyển phù hợp thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển.

"Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các cháu, từ chỗ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất. Thời gian đầu triển khai cũng có một số trục trặc nhỏ, ví dụ vấn đề khen thưởng, do chưa quen, sẽ có chấn chỉnh", ông nói.

Bộ trưởng cũng cho biết cách làm này giúp giảm dạy thêm học thêm, tránh phân loại học sinh khiến các cháu hoặc tự ti, chán học, bỏ học, hoặc chủ quan, tự mãn, mất động lực.

Nghe vậy, Phó đoàn ĐBQH Ninh Bình, ông Bùi Văn Phương phản biện: Nền giáo dục VN đã đạt trình độ nền giáo dục phát triển chưa? Nếu chưa, việc áp dụng cách đánh giá học sinh như trên có phù hợp với thực tế giáo dục VN?

"Cử tri có ý kiến rằng, một số vấn đề giáo dục ta học tập kinh nghiệm nước ngoài, nhưng học tập máy móc, không phù hợp thực tế VN. Nhiều việc khi triển khai xong lại quay trở về làm như cách cũ", ông Phương phản ánh.

Chung Hoàng - Minh Thăng - Duy Tiến - Hồng Nhì