- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói vì mức viện phí hiện nay quá thấp so với giá thực chi, vô hình trung làm khổ người dân. Việc tăng giá dịch vụ, theo bà, không ảnh hưởng đến người nghèo, mà "hoàn toàn ngược lại".
 
Đăng đàn nửa cuối phiên chất vấn tại QH chiều 13/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ động giải trình toàn bộ vấn đề tăng giá viện phí ngay sau câu hỏi đầu tiên về vấn đề này của ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương).
 
Quá lỗi thời
 
Với căn cứ lương đã tăng 8 lần, trượt giá 3,34 lần, giá thành đầu vào dịch vụ y tế như xăng, dầu, điện, nước đều tăng, theo bà Tiến, giá dịch vụ y tế như hiện nay đã quá “lỗi thời”. 

Bà kể trong nhiều cuộc họp với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo các đơn vị này kêu trời khi giá dịch vụ y tế không thay đổi, trong khi đòi hỏi về chất lượng dịch vụ, y đức thì ngược lại. Có lãnh đạo bệnh viện công còn than “mỗi lần tăng lương là đầu chúng tôi bạc thêm”.

ĐB Huỳnh Tuấn Dương

 
Các bệnh viện công thậm chí mô tả như đang “tự ăn vào mình” khi ngân sách nhà nước không đủ đảm bảo, bệnh viện quá tải, nhếch nhác, lương nhân viên thấp, cán bộ chạy làm ngoài… tất cả làm ảnh hưởng chất lượng dịch vụ.
 
Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu thế này thì bệnh viện công không thể tồn tại được.
 
Dù khó khăn, nhạy cảm, song bà Tiến nói việc tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết để tạo nguồn thu, tăng chất lượng. Việc tăng giá dịch vụ, theo bà, không ảnh hưởng đến người nghèo, mà "hoàn toàn ngược lại".
 
Theo giải trình của Bộ trưởng Y tế, 447/3000 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá mới chỉ tăng dựa trên 3/7 yếu tố đầu vào: thuốc, điện nước xăng dầu, bảo trì, bảo hành máy móc....
 
“Điều này cũng nhận được sự thống nhất cao của quỹ BHXH, là người cầm quỹ tiền, từ trước đến nay họ không bao giờ muốn chi cái gì hết, nhưng đến thời điểm này họ cũng phải bảo rằng, với giá dịch vụ này thì người dân sẽ không tham gia BHYT. Và ước vọng BHYT toàn dân sẽ còn xa vời nữa” - bà diễn giải.
 
Ba Kim Tiếǹ lấy ví dụ giá cắt amiđan chỉ 40.000đ, trong khi thực chi ít nhất 350.000, nếu dùng thuốc gây mê thì 700.000. Chênh lệch đó người bệnh lại phải đi mua, mua thuốc, mua gây mê, mua đủ thứ. Cuối cùng người thiệt thòi là người bệnh. Còn nếu tính đủ giá dịch vụ thì người bệnh không phải trả thêm nữa.
 
Theo bà, phải tính đến bước như các nước là tiến tới bảo hiểm toàn dân, tức là người bệnh vào viện chỉ biết chữa bệnh và bệnh viện chỉ có chăm sóc, còn chuyện thanh toán tiền là giữa cơ quan BHXH và cơ quan thực hiện là bệnh viện.
 
“Bệnh nhân hiện phải trả thêm đủ thứ, vì giá quá thấp so với giá thực chi. Như vậy vô hình trung chúng ta làm khổ người dân và phiền toái người dân rất nhiều” - Bộ trưởng Y tế phân tích.
 
Bà Tiến cũng nêu tinh thần như Thông báo 37 của Bộ Chính trị đó là các giá dịch vụ công (trong này có giá dịch vụ y tế) phải tiến tới tính đúng tính đủ, đảm bảo đúng giá thị trường. Nhà nước chỉ lo hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách. Còn lại là đóng góp của cá nhân, xã hội và Nhà nước.
 
Giá thuốc bị buông lỏng
 
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Y tế thực trạng dù có thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn mời thầu, đấu thầu giá thuốc tại bệnh viện công, song nghịch lý là cùng một chủng loại thuốc, cùng một địa phương, nhưng giá thuốc bán ra chênh lệch 20-40%, khiến người bệnh chịu thiệt, cử tri rất bức xúc.
 
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng nói, vấn đề giá thuốc bệnh viện qua đấu thầu bán cao hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho người bệnh, đe dọa vỡ quỹ bảo hiểm, trong khi lợi ích lại rơi vào công ty dược, tồn tại suốt thời gian qua.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá dịch vụ y tế đã quá lỗi thời
 
Bà Tiến cho hay những phản ánh về giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện trong một địa phương, giữa các địa phương, giữa giá bệnh viện với thị trường thời gian qua với mức từ 10-15%, có nơi hơn thế là “một thực trạng”.

Bộ trưởng cho rằng, giá thuốc bị đẩy lên do có một quá trình lòng vòng, qua tầng nấc trung gian, hãng dược bắt tay thầy thuốc, cán bộ kê đơn thuốc biệt dược, không cần thiết để hưởng chênh hoa hồng.
 
Bà́ chỉ ra các nguyên nhân, trong đó cơ bản do quản lý của Nhà nước, đặc biệt liên quan quy định về đầu thấu. Theo đó, đã không quy định kết quả đấu thầu phải thấp hơn giá niêm yết, kê khai trước đó của các hãng.
 
Nguyên nhân sâu xa hơn, đó là Bộ Y tế là đơn vị quản lý chuyên môn, kỹ thuật đối với bệnh viện, cơ sở y tế về khám chữa bệnh, kê đơn thuốc… nhưng lại phải kiêm thêm quản lý giá. Theo bà, điều này không phù hợp.
 
Về giải pháp, Bộ đã ban hành thông tư quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá kê khai và giá trước đó kê khai. Trong khi đó, thông tư 50 quản lý giá thuốc quy định giá trúng thầu phải thấp hơn giá kê khai.
 
Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp căn cơ tận gốc. Bộ Y tế đã xin phép Chính phủ làm đề án thí điểm quản lý giá tối đa toàn chặng. Bên cạnh đó kiến nghị cơ quan quản lý giá thuốc chuyển cho đơn vị khác, không phải do Bộ Y tê nắm, đồng thời thí điểm lập ủy ban đấu giá quốc gia.
 
Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng