- Câu chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội mấy ngày nay đang làm cả xã hội xôn xao. Sao lại thế được? Chuyện bình thường mà, xã tôi, huyện tôi, cơ quan tôi cũng vậy.

Mà cũng lạ, những chuyện kiểu vậy, khối người biết, nhưng chẳng ai lên tiếng, chỉ đến khi báo đăng mới bung ra, mới bình luận, phản hồi này nọ. Và bung ra như vậy mới giật mình nghĩ lại.

Kiểm tra liệu có đảo chiều?

Nghe bảo cấp trên đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá việc này của Mỹ Đức. Cá là gần 100% mọi thứ đúng: đúng theo quy hoạch, đúng theo tiêu chuẩn, đúng theo quy trình bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo.

Khi đã định đưa họ hàng, bà con vào lãnh đạo thì việc chuẩn bị những cái cho đúng quy định này là chuyện nhỏ.

Cần bằng cấp, có bằng cấp, cần vào quy hoạch là vào, thậm chí cần lấy phiếu tín nhiệm cho đủ khi bổ nhiệm cũng sẽ có đủ.

Tóm lại, kiểm tra ở đây không mang lại kết quả đảo chiều.

Nó cũng giống như dạo nào bảo vào công chức ở Hà Nội mất tiền, nhưng mãi cũng không có bằng chứng xác thực. Mọi thứ cứ mờ mờ, ảo ảo. Tuyển dụng công chức, viên chức, rồi thi nâng ngạch công chức, rồi bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, thậm chí về hưu...

Tuốt tuột những cái này đều có quy định, về cơ bản là được, nhưng đi vào triển khai, kết quả không như mong muốn, thậm chí có tiêu cực. Nhưng chỉ ra tiêu cực cụ thể, người tiêu cực cụ thể trong bộ máy lại rất khó. Đây là nét độc đáo trong hệ thống hành chính nước ta. Vậy mà không phải vậy!

Ước về một xã hội lành mạnh

Hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ" thời phong kiến đang hồi sinh mãnh liệt trong thời hiện đại. Bản chất ở đây chính là vấn đề quyền lực và lợi ích. Lợi ích là lợi ích họ hàng, là lợi ích nhóm, chứ không phải lợi ích cho người dân, cho xã hội. Quyền lực càng lớn thì lợi ích thu được càng to, lợi ích càng to có rồi thì lại là điều kiện quan trọng để mở rộng quyền lực.

Và chính vấn đề lợi ích kiểu này đang làm cho xã hội ta không lành mạnh. Đụng đến cái gì cũng có tiêu cực, cũng có câu chuyện xin - cho, cũng có chuyện tiền nong...

Nguy hiểm là ở chỗ lâu ngày chuyện tiêu cực, chuyện lợi ích rất có thể trở thành thói quen, thành triết lý sống của người Việt.

Đến bệnh viện công, đến cơ quan hành chính trước hết là nghĩ có người quen không, có thì đỡ nhiều phiền hà. Nếu không thì cần thiết là phải chi. Mình phải chi chỗ này thì phải thu lại ở đâu nhỉ? Mình là công chức, là bác sỹ, là giáo viên, là cán bộ thuế, hải quan, cảnh sát giao thông... thì thu lại kiểu gì nhỉ? Tất nhiên không phải ai cũng thế, nhưng một bộ phận không nhỏ là như thế. Suy rộng ra người nông dân là khổ nhất, kiếm gì, thu gì từ người khác ngoài cái mình làm ra.

Xã hội vận hành theo kiểu này thì lấy đâu ra mà năng động, sáng tạo, phát triển, là đuổi rồi vượt nước này, nước kia. Ước mong cao xa đó hãy gác lại để mong về một xã hội lành mạnh hơn chút, trong đó ai có việc làm cũng đủ sống, có pháp luật và pháp luật được thực thi nghiêm minh, ai có năng lực thì được bổ nhiệm lãnh đạo mà không phải nhờ cậy các mối quan hệ.

Ước mong có vẻ đơn giản mà sao xa vời. Nó đòi hỏi cả hệ thống thay đổi, từng con người thay đổi.

Thay đổi từ cái đơn giản như loa phát thanh phường bớt đi, xe cảnh sát phường không còn sáng nào cũng chạy ít phút dẹp mất trật tự nhưng sau đâu lại vào đó, ăn uống cái gì cũng vô tư, không lo ngộ độc, đi đèn xanh không lo bị tông bất ngờ từ phía đèn đỏ cho đến những thay đổi to tát hơn như không còn hiện tượng cả họ làm quan kiểu Mỹ Đức, nhiều cháu du học nước ngoài ham muốn trở về nước làm việc, nhất là vào bộ máy công quyền, là hiện tượng tham nhũng về cơ bản đã không còn trong xã hội ta...

Đinh Duy Hòa