- Thảo luận sửa đổi Hiến pháp hôm nay (3/6), các ĐBQH chưa thống nhất có nên ghi “kinh tế nhà nước là chủ đạo” không.

Bình đẳng

Đối với điều 54 về các thành phần kinh tế, nhiều ĐB nhất trí cách thể hiện của phương án 3: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế".

Theo ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam), không nhất thiết kể tên các thành phần kinh tế, vì có thể thiếu hoặc thừa. “Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi”, ông Tân nói.

{keywords}
ĐB Lê Văn Tân đề nghị không quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng chỉ ra khoản 2 điều này đã ghi rõ: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. 

“Bình đẳng” là nhân tố quan trọng nhất để các ĐB chọn cách quy định ngắn gọn này. Như Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) nói, “nền kinh tế thị trường kể cả định hướng XHCN cũng phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản: bình đẳng về địa vị, bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về bảo hộ”. 

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhận định Hiến pháp cần phù hợp với nhu cầu hiện nay về giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy tất cả các nguồn lực, và sẽ “không ảnh hưởng gì đến mục tiêu lâu dài là xây dựng CNXH và vị thế của Đảng”.

Phương án 1, ghi rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần, theo ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) là “đóng khung nền kinh tế trong một mô hình xem chừng rất hợp lý nhưng lại là bước lùi sau một quá trình dài có nhiều chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân từ hình thức phát triển của nền kinh tế thị trường đầy đủ, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế”.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) thì thấy văn phong của phương án 1 “đậm chất văn kiện Đảng, không phải văn phong lập pháp”.

Kinh tế nhà nước vẫn phải chủ đạo?

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chọn phương án 2: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thái Học: Xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là khẳng định tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

 

“Xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là khẳng định tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Sự khẳng định này mang tính tất yếu khách quan, phủ nhận hay né tránh điều cốt lõi này tức là không thể hiện đúng lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay”, ông Học nói.

Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), phương án này “vừa khẳng định được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mặt khác đảm bảo được sự hài hòa, cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững”.

Việc có nên khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp hay không được nhiều ĐB phân tích.

Trước các ý kiến cho rằng “nếu không quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ khó làm chủ được kinh tế chính trị của quốc gia”, ĐB Đinh Thị Phương Lan nói: “Trên thực tế, một số ngành thuộc kinh tế nhà nước tự thân luôn giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ công mà không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có khả năng thay thế hoặc tham gia".

ĐB Lê Văn Tân chỉ ra: “Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia như khai thác dầu khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng...”.

Ông Tân đề nghị không quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần trong nền kinh tế thị trường.

Ngày 4/6, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

  • Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng