- Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng trao đổi với báo giới bên hành lang QH chiều 13/11 về việc Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ.


Ông Hằng cho biết:

Việc này thể hiện được thành tựu rất to lớn đối với việc chúng ta bảo vệ và đảm bảo quyền con người. Một vấn đề hết sức cụ thể, trong Hiếp pháp sửa đổi 1992 sắp thông qua, chương quyền con người được đặt ở vị trí hết sức trang trọng. Đó cũng là xu hướng của thế giới, bao giờ cũng bảo đảm quyền con người lên trên hết.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đạp tan các thế lực phản động đang hoạt động ráo riết nhằm tẩy chay và thậm chí dựng lên nhiều chuyện vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đó chỉ là những tiếng nói đơn độc, không thể hiện được sự thật trong vấn đề bảo đảm quyền con người mà Nhà nước ta đã bảo đảm trong thời gian qua.

Khi chúng ta ứng cử có rất nhiều lực lượng tung lên mạng, đưa lên các phỏng vấn, tập trung các đối tượng phản động kích động để làm giảm uy tín của chúng ta. Thế nhưng các đoàn quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là các cuộc đối thoại về nhân quyền mà Việt Nam thực hiện với Mỹ, với các nước Bắc Âu, với EU thì họ nói rằng, Việt Nam có tiến bộ về mọi mặt trong vấn đề nhân quyền. Do đó, trong cuộc bỏ phiếu, chúng ta được đánh giá rất cao.

Khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, tiếng nói của Việt Nam so với trước đây như thế nào?

Việt Nam sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc cho thế giới rõ hơn về quyền con người ở mỗi quốc gia được thể hiện như thế nào và đặc biệt là để thế giới hiểu rõ hơn quyền con người ở Việt Nam, từ đó họ có nhận thức, cách nhìn đúng về quyền con người ở Việt Nam.

Hiện nay, sự hiểu biết về quyền con người còn chung chung của các thế lực khác nhau. Khi chúng ta vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, chúng ta có quyền phát biểu và chứng minh bằng hành động, bằng điều kiện thực tế của mình và để cho họ thấy rõ quyền con người ở Việt Nam được đảm bảo.

Vào được Hội đồng Nhân quyền LHQ là một điều đáng khích lệ. Việt Nam cần làm những gì để hoàn thiện hơn và làm tốt hơn về việc đảm bảo quyền con người?

Tôi cho rằng, chúng ta sắp thông qua Hiến pháp, chúng ta cần phải ban hành một loạt các luật để cụ thể hóa quyền con người được qui định trong Hiến pháp đó. Một trong những quyền con người được ghi trong Hiến pháp phải bảo đảm là quyền sống, quyền được sản xuất kinh doanh, học hành…

Từ đó, các bộ ban ngành, các cấp phải phấn đấu mạnh mẽ để cụ thể hóa các chủ trương được thể hiện trong Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền con người ngày một tốt đẹp hơn.

Một số nước luôn đặt nhân quyền của Việt Nam như một yêu cầu đầy khắt khe đối với quan hệ của Việt Nam. Bây giờ, vấn đề này nên nhìn nhận thế nào?

Trước khi Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, cũng do tác động của các thế lực phần tử và một số lực lượng đã có nhận thức không đúng về Việt Nam. Nhưng qua thực tế chúng ta rất tích cực và sẵn sàng đối thoại không e ngại bất cứ điều gì cả. Từ đó, các nước trên thế giới mới nhận thức được rằng, đúng là giữa những thông tin sai lệnh của một số đối tượng hoàn toàn khác xa với mong muốn và quyết tâm chính trị của nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền con người.

Khi Việt Nam vào được rồi, chúng ta có thuận lợi về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại… vì thông thường họ vin vào vấn đề nhân quyền để gây khó khăn, cản trở cho quan hệ hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực này. Họ cho rằng, đầu tư vào đấy thì vào một số phần tử nào đó chứ không phải toàn bộ người dân được hưởng.

Tôi tin rằng, những hạn chế, cản trở này sẽ được loại bỏ khi Việt Nam đã là thành viên. Đây là thời cơ để chúng ta hợp tác quốc tế về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật…

  • Tá Lâm ghi