Bùng nổ khai thác tài nguyên khoáng sản đang tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Australia. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu chính quyền không quản lý tốt lĩnh vực này thì "tài sản quý báu" sẽ thành tai họa giáng xuống nhiều thế hệ tương lai.

Khai hỏa "bom tài nguyên"

Trong cuốn sách "Quá may mắn: Bùng nổ khai mỏ và tương lai Australia", tác giả Paul Cleary miêu tả tại 361 tổ hợp khai mỏ khắp Australia, các công nhân cùng hệ thống máy móc khổng lồ đang hoạt động không ngừng nghỉ với một quy mô chưa từng thấy trong lịch sử xứ sở chuột túi.

Australia hiện sản xuất hơn 1 tỷ tấn khoáng sản mỗi năm, gấp 5 lần so với thời kỳ bùng nổ khai thác tài nguyên cách đây 30 năm. Số quặng khai thác đủ để chất lên 3.000 tàu chở hàng lớn nhất thế giới, trong khi giá bán quặng đã tăng hơn 3 lần so với năm 2003 - khi ngành khai mỏ phát đạt trở lại.

Máy móc khai thác khoáng sản hoạt động không ngừng nghỉ. Ảnh: Daily Telegraph

Bùng nổ khai thác mỏ lần thứ năm trong lịch sử Australia mới chỉ bắt đầu. Các chuyên gia kinh tế dự báo nhu cầu quặng khoáng sản phục vụ chuyển dịch công nghiệp và đô thị ở châu Á còn kéo dài nhiều thập kỷ tới, có thể giúp Australia trở thành "siêu cường tài nguyên", "một Ảrập Xêút của châu Á - Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, các chính trị gia dường như vẫn thiếu can đảm và khả năng đưa ra những chính sách thích hợp giúp người dân Australia và con cháu họ được kế thừa di sản có một không hai trong thế kỷ 21 này.

Nhà phân tích Paul Cleary chỉ trích giới lãnh đạo Australia dùng tiền thu được từ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, "không cần biết ngày mai", trong khi vốn tự nhiên dần bị thu hẹp. Họ còn cho phép các công ty khai mỏ lạm dụng ảnh hưởng một cách thái quá. Nhiều lãnh đạo ở cấp liên bang và tiểu bang thiếu quyết tâm đánh thuế cũng như chỉnh đốn có hiệu quả ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.

Để tránh "bẫy" mà các quốc gia giàu tài nguyên khác vấp phải trong mấy thập kỷ qua, một số nhà phân tích cho rằng Australia cần thay đổi trong ba vấn đề liên quan tới tài nguyên. Đó là sử dụng tiết kiệm, đánh thuế và vận hành.

Theo đó, Australia phải chuyển một lượng nhất định thu nhập từ khai thác tài nguyên vào một quỹ dự phòng, có thể dùng tới khi quá trình bùng nổ khai mỏ kết thúc và để bồi thường cho các thế hệ sau này. Australia có thể học hỏi kinh nghiệm của Na Uy, Chile và thậm chí Đông Timor. Tuy nhiên, giới chức Australia dường như chưa quan tâm nhiều tới việc này.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bộc lộ những yếu kém trong việc quản lý lợi tức tài nguyên của Australia. Trong vòng ba năm trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, các kho bạc của chính quyền liên bang căng phồng với 334 tỉ USD gồm cả tiền thuế tài nguyên, trong lúc lãi suất thấp và bùng nổ khai mỏ giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

Dưới thời Thủ tướng John Howard, gần một nửa số tiền này được sử dụng để cắt giảm các loại thuế má khác và thực hiện phúc lợi xã hội cho tầng lớp trung lưu. Chi tiêu chính phủ kiểu này buộc Ngân hàng Dự trữ Trung ương Australia (RBA) nâng lãi suất lên tới 7,25%.

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, chính phủ Công Đảng đã phải tăng mạnh số nợ lên tới 106 tỷ USD như một cách chống đỡ suy thoái. Sau trận lũ lụt lịch sử ở bang Queensland hồi đầu năm nay, chính phủ lại phải đưa ra chương trình thuế mới để phục vụ tái thiết. Các động thái này do chính quyền không hề có quỹ dự phòng.

Trái với Australia, Chile - một quốc gia giàu tài nguyên - có nhiều quỹ ngoại tệ tích lũy suốt giai đoạn bùng nổ khai thác khoáng sản. Nước này đã sử dụng một số tiết kiệm để chi trả cho những gói kích thích kinh tế lớn, giúp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và trận động đất hủy diệt mà không cần tới một đồng vay nợ nào.

Điều đáng lo ngại là sau những bài học nêu trên, Australia vẫn chưa có những chính sách đúng để ngăn ngừa "lịch sử lặp lại". Thiếu các chính sách tiết kiệm và đền bù, ngân sách liên bang và các bang sẽ tiếp tục chu kỳ "no căng rồi lại đói kém". Nhà cầm quyền sẽ chẳng có gì để đối phó với các sự việc bất ngờ như thiên tai, ảnh hưởng của thay đổi khí hậu hoặc chiến tranh.

Bị lóa mắt bởi viễn cảnh đất nước giàu có hơn nhờ khai thác khoáng sản, nhiều chính trị gia cấp liên bang và cấp bang đang cổ vũ cho cuộc chạy đua khai thác tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phớt lờ hậu quả lâu dài về sinh thái học và kinh tế. Chính quyền nhiều bang nhỏ đang tự đàm phán với các công ty khai mỏ có doanh thu lớn. Tại bang lớn nhất Australia là New South Wales, nông dân tiếp tục hứng chịu hậu quả từ việc chính quyền Công Đảng trước đây ban hành hàng trăm hợp đồng cho thuê mỏ gây tranh chấp.

Australia cần cải tổ cách vận hành ngành công nghiệp khai mỏ, đặc biệt bằng cách tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền liên bang và địa phương. Nếu không, một nhóm các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục kiếm lợi khổng lồ từ nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc về tất cả người dân Australia. Thực tế hiện nay, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất từ các dự án khai mỏ như cư dân địa phương, các thị trấn, chủ sở hữu đất bản xứ… lại là người hưởng lợi ít ỏi.

Theo ông Paul Cleary, nếu Australia không quản lý hiệu quả việc bùng nổ khai thác tài nguyên, rất có thể sự may mắn sẽ trở thành tai họa cho nhiều thế hệ.

Không nên ăn mặn

Ngày nay, người Australia có thể kiêu hãnh nhìn lại những di sản tươi đẹp của cha ông họ. Các thế hệ trước đã xây dựng được nhiều hệ thống giao thông đồ sộ, triển khai những dự án tưới tiêu đầy tham vọng, kiến tạo những biểu tượng quốc gia như cầu cảng Sydney và nhà hát Con sò…

Tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, 50 năm hoặc 100 năm nữa, người Australia khó tự hào với những gì mà thế hệ thời nay để lại. Để phục vụ việc viết cuốn sách "Quá may mắn: Bùng nổ khai mỏ và tương lai Australia", Cơ quan Thống kê Australia đã cung cấp số liệu cho thấy so với những năm 1960-1970, chính quyền liên bang, các bang và địa phương hàng năm đang chi ít đi khoảng 25 tỷ USD cho các công trình công cộng. Cùng lúc, chính quyền chi gấp đôi cho việc tiêu dùng và phúc lợi xã hội.

Khá nhiều người Australia nghĩ rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ sẽ không bao giờ cạn kiệt. Tuy nhiên, các nguồn khoáng sản và năng lượng là có hạn và Australia không có nhiều tài nguyên như họ nghĩ. Làn sóng khai thác gần đây đã cắt giảm lượng lớn dự trữ tài nguyên của nước này.

Ước tính 20 năm nữa, Australia có thể không còn kim cương trừ phi tìm ra những mỏ mới. Vàng sẽ cạn trong vòng 30 năm nữa; bạc và kẽm trở nên khó tìm trong vòng 45 năm tới. 60-70 năm nữa, nguồn cung cấp quặng sắt tưởng chừng vô hạn của Australia sẽ trở nên "kiệt quệ".

Thời gian dự trữ than đá đen giảm từ 180 năm xuống còn 100 năm. Tuổi thọ nguồn dữ trữ quặng sắt giảm xuống còn 35 năm, do các công ty khai mỏ lên kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khai thác quặng sắt trong thập kỷ này. Trong khi đó, kể từ năm 1975, chưa có công ty khai mỏ nào phát hiện thêm được các khu vực có trữ lượng khoáng sản lớn.

Để đào thêm than đá bán cho Trung Quốc và Ấn Độ, Australia có thể phải hy sinh nhiều mảnh đất trồng trọt, chăn nuôi tốt. Cùng lúc, hệ thống nước ngầm có thể bị phá hủy, làm tăng áp lực tìm kiếm nguồn nước đang ngày càng khan hiếm…

Tác giả Paul Cleary cho rằng việc xây dựng các chính sách quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Australia ngày càng khó khăn hơn bởi tâm lý sớm thỏa mãn. Nhiều người khẳng định Australia đã bước vào "siêu chu kỳ tài nguyên" kéo dài hàng thập kỷ. Với những dự đoán "phởn" như vậy, họ khó mà nghĩ tới những cạm bẫy, hiểm nguy không ngờ, có thể bắt nguồn từ chính sự dư dật và phung phí tài nguyên.

V.Giang (theo The Australian)


.