- Ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước 2001 - 2010 và thảo luận dự thảo chương trình 10 năm tới (2011 - 2020).

Sốt ruột với cải cách

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2001, sau 10 năm thực hiện, hội nghị tổng kết tới đây sẽ là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với tiến trình CCHC.

Nội dung của chương trình xác định rõ 4 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công.


Nhiều thủ tục hành chính trên những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới người dân và doanh nghiệp, đã được rà soát sửa đổi. Ảnh: Long Anh

Hai điểm được đánh giá cao từ cả bên trong hệ thống hành chính và từ bên ngoài, nghĩa là từ người dân, những người hưởng thụ các dịch vụ công, là cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính.

Các luật Tổ chức CP, Tổ chức HĐND và UBND, Thanh tra, luật Công chức; các nghị định của CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP; các văn bản về tổ chức và hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn của UNND tỉnh, cấp huyện đã được ban hành theo hướng giảm tối đa sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ, phân biệt rõ hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.

Các văn bản về quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, luật Khiếu nại tố cáo, cơ chế một cửa, công khai ngân sách, tài chính, đấu thầu, thanh tra nhân dân... cũng góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước với dân.

Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cụ thể của CP thông qua đề án 30, 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; trong đó có 453 thủ tục được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, 3.749 được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, 288 thủ tục được thay thế, đạt tỉ lệ đơn giản hóa 81%.

Thủ tục hành chính trên những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, như: đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu… đã được rà soát sửa đổi nhiều.

Các kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính chưa thực sự nổi bật nhưng cũng góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội.

Tuy vậy, 10 năm thực hiện CCHC vẫn còn có những hạn chế, yếu kém như tốc độ chậm, kết quả chưa được như mục tiêu đặt ra: Hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn chồng chéo, nhiều về số lượng nhưng hạn chế về chất lượng; các đầu mối trực thuộc CP giảm nhưng bộ máy bên trong các bộ chưa giảm; cơ chế quy định trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng; cải cách tài chính công mới chỉ là bước đầu, kết quả còn hạn chế...

Đặc biệt, cải cách tiền lương vẫn còn chậm, lương chưa chưa trở thành động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu và cống hiến.

Tại các hội thảo lấy ý kiến được tổ chức trước Hội nghị tổng kết này, tâm trạng chung của những người chịu trách nhiệm về CCHC là lo lắng và sốt ruột. Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vui từng phát biểu tại một hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, về mong muốn chính sách tiền lương có chuyển biến, để công chức "đàng hoàng hơn, đỡ kém, đỡ yếu thế, đỡ tủi thân".

Đào tạo để nâng cao chất lượng con người trong bộ máy hành chính cũng cần được chú trọng hơn, khi mà báo cáo tổng kết CCHC chỉ ra một bộ phận cán bộ, công chức còn "thiếu trách nhiệm, chưa thạo việc, hạn chế về năng lực" hay "thiếu linh hoạt, máy móc", đặc biệt là "quan liêu, cửa quyền, hách dịch", thậm chí "suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân, của xã hội".

Dự thảo Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ Nội vụ soạn thảo còn đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 80%, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế là trên 70%; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng điện tử...

Thủy Chung