- Bộ trưởng GTVT cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ, phải nhiệm kỳ sau mới có thể bắt tay làm đường sắt tốc độ cao và cần ít nhất 40 tỉ đô.

Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) sáng nay, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, giao thông đường sắt là mũi nhọn vận tải lớn nhưng một thời gian dài đã bị bỏ qua. Giờ mới đưa ra luật này là chậm nhưng muộn còn hơn không.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng bày tỏ tiếc nuối: “Khi sang Nhật mới thấy thèm muốn hệ thống đường sắt hiện đại, văn minh”.

Ông đề nghị phải ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt. Đề nghị đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư và BOT đồng thời kiến nghị luật phải có quy hoạch lâu dài về phát triển đường sắt.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty vận tải Hà Nội cho rằng ngành đường sắt của ta “quá lạc hậu và trì trệ” với 130 năm tuổi nhưng hầu như không phát triển.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng phải nhiệm kỳ sau mới khởi động được dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Phạm Hải

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, trong 5 năm tới, ngoài việc củng cố nâng cao năng lực vận chuyển của đường sắt cũ, ngành sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao.

“Nhiệm kỳ này mà được QH ủng hộ cho làm dự án này là hạnh phúc đối với ngành đường sắt”, Bộ trưởng Nghĩa nói.

Ông cho biết, trên thế giới không có đường sắt tốc độ cao mà chỉ có đường sắt cao tốc với nhiều phân đoạn tốc độ. Việt Nam chọn tốc độ dưới 200km/h.

“Đường sắt tốc độ 160 - 200km/ giờ là hợp lý vì vừa duy trì được cả công năng vận tải và hàng hoá. Nếu trên 200km chỉ vận tải hành khách thôi”, ông Nghĩa giải thích.

Theo đó trong quá trình làm sẽ tiêu chuẩn hoá, nâng cấp dần hệ thống đường sắt cũ lên. Khi đó, đường sắt tốc độ cao cũng sẽ được nâng lên trên 300km/giờ.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng nếu suôn sẻ mọi chuyện cũng phải hết nhiệm kỳ này mới có thể bắt tay vào khởi động vì lý do ngân sách khó khăn.

“Hiện nay ta đầu tư cao tốc Bắc - Nam mất khoảng 10 tỉ USD. Trong khi đó, đầu tư đường sắt tốc độ cao phải cần không dưới 40 tỉ USD. Đây là một con số rất lớn và vô cùng khó khăn cho chúng ta", Bộ trưởng GTVT giải thích.

Tư lệnh ngành giao thông cho rằng, để phát triển, ngành đường sắt phải thoát được tư tưởng trông chờ bao cấp.

“Trong luật sửa đổi, chúng tôi đang rất quyết liệt giải quyết vấn đề này. Đường sắt hiện nay chỉ dùng tiền ngân sách nhà nước trong nâng cấp, vận hành. Các khoản vay là vô cùng thấp. Nếu không thay đổi điều này, đường sắt rất khó phát triển”, Bộ trưởng nói.

Thúy Hạnh