- Đến thời điểm này, chúng tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong đấu tranh với nạn bạo hành nhân viên y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Trao đổi bên lề chuyến công tác Phú Thọ sáng nay, Bộ trưởng Y tế cho biết, bà rất bức xúc trước các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung, từ vụ bác sĩ bị giết tại Thái Bình đến vụ người nhà đánh vào đầu bác sĩ tại Thạch Thất, hay giám đốc doanh nghiệp đánh bác sĩ tại Nghệ An.
Theo Bộ trưởng, về phương diện an ninh trật tự, hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân mình đều có lỗi và người thiệt hại nhất chính là bệnh nhân.
Bộ trưởng Y tế làm việc tại Phú Thọ sáng nay |
Thực tế này cũng cho thấy đạo đức xuống cấp, cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý nghiêm và cần có những biện pháp phòng ngừa.
“Chúng tôi đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng không hiệu quả. Nhiều vụ khi gọi được công an thì việc đã xong”, Bộ trưởng nói.
Bà cũng cho biết, ngành đã rất nhiều lần mời công an, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tuy nhiên tình trạng hành hung cán bộ y tế khi đang làm nhiệm vụ không thấy giảm mà tăng.
“Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Bệnh nhân thì đòi được khám ngay, lấy điện thoại để quay và ghi âm thì làm sao bác sĩ yên tâm khám chữa bệnh được”, Bộ trưởng Kim Tiến tâm tư.
Bà cho rằng, nếu các vụ việc tương tự vẫn tiếp tục xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sĩ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa hơn nữa, bệnh nhân là người thiệt thòi.
“Đến thời điểm này chúng tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong đấu tranh với nạn bạo hành nhân viên y tế”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bà tha thiết mong muốn dư luận, truyền thông cùng các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn, giảm bớt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Như vụ Thạch Thất, chúng tôi đã xuống tận nơi đề nghị xử lý nghiêm, bắt giam và phạt tù đối tượng hành hung bác sĩ”, bà dẫn chứng.
Dù hành vi hành hung người thi hành công vụ tại các cơ sở hành chính sự nghiệp đã được quy định trong luật Khám chữa bệnh và luật khác, song Bộ trưởng Kim Tiến mong mỏi có sự chủ động phối hợp của chính quyền các cấp.
“Chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, lên án và xử lý nghiêm những trường hợp hành hung y bác sĩ. Ngoài xử lý hành chính, cần xử lý hình sự đối với những đối tượng này”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, 60% các vụ mất an ninh bệnh viện xảy ra tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). 90% vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh. |
Bộ trưởng Kim Tiến kêu gọi bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế
Bộ trưởng Y tế bày tỏ quan điểm nghiêm khắc lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ tấn công bạo lực đối với thầy thuốc.
Tấn công bác sĩ phản ứng chậm, động chạm Bộ trưởng thì phản ứng nhanh
“Bao cuộc tấn công bác sĩ, ngành phản ứng chậm chạp. Chỉ 1 lời góp ý của bác sĩ, ngành phản ứng nhanh nhạy khi thấy động chạm uy tín Bộ trưởng”.
Bộ trưởng cần biết nghe lời 'nghịch nhĩ'
Tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội cần thận trọng và khôn ngoan. Không nên vội vàng xem thông tin có tính phản biện, "nghịch nhĩ" là xấu.
Hà Nội: Bác sĩ bị côn đồ hành hung, bắt quỳ gối xin lỗi
2 đối tượng côn đồ xông vào BV Thể thao VN hành hung 1 bác sĩ, thậm chí còn bắt bác sĩ quỳ gối xin lỗi.
HN: Bác sĩ bị đánh bất tỉnh, theo dõi chấn thương sọ não
Trong lúc bác sĩ D. đang xem hồ sơ bệnh án, bố bệnh nhi dùng cốc thuỷ tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến anh bất tỉnh.
Thúy Hạnh