- Bộ Y tế đề xuất với các đơn vị tự chủ tài chính được thành lập hội đồng quản lý, thí điểm thuê tổng giám đốc.

Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tình hình ngân sách năm 2016-2017 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn nên các đơn vị sự nghiệp công lập cần tiếp tục đổi mới, thắt chặt chi tiêu, tiến tới các đơn vị tự chủ tài chính sẽ tự chủ cả biên chế.

Phó Thủ tướng đánh giá, hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập tại Bộ Y tế đã "có nét" trong khi ngành giáo dục, VH-TT-DL… vẫn chưa quyết liệt.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy mạnh đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trao luôn quyền tự chủ tài chính và tự chủ biên chế

Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà thông tin thêm, hiện cả nước có gần 60.000 đơn vị công lập, lương chi cho khối này rất lớn còn chi cho khối hành chính không đáng kể.

"Biết rằng đổi mới các đơn vị công lập khó hơn nhiều đổi mới doanh nghiệp nhưng giờ Bộ Tài chính thử báo cáo xem tổng chi tiền lương cho khối này là bao nhiêu. Tôi tin con số sẽ rất ấn tượng, nếu cắt bớt đi được thì tiết kiệm rất lớn", ông Hà nói.

Báo cáo kết quả thực hiện đổi mới các đơn vị sự nghiệp công của ngành y tế, ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó đề xuất xây dựng một số mô hình quản lý bệnh viện mới.

Cụ thể, đối với các đơn vị tự chủ tài chính, Bộ Y tế cho phép thành lập hội đồng quản lý, ban kiểm soát, thí điểm thuê tổng giám đốc...

"Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập về mô hình quản lý tại một số tập đoàn, bệnh viện tư lớn trong nước, tham khảo cơ cấu tổ chức và hội đồng quản trị bệnh viện tại Mỹ, Bỉ, Thái Lan", ông Công nói.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục cử 1 đoàn đi Singapore để học tập thêm mô hình quản lý bệnh viện tại nước này.

Theo ông Công, do đây là mô hình bệnh viện mới nên khi xây dựng cần phải có thời gian đi tham khảo, so sánh, học tập cả trong và ngoài nước, đảm bảo tính khả thi khi triển khai.

Sau khi hoàn tất nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ hoàn chỉnh dự thảo, dự kiến trình Chính phủ ký đầu năm 2017.

Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước mới có 24 bệnh viện công được giao tự chủ, trong đó có 9 bệnh viện thuộc Bộ quản lý gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Mắt trung ương, Phụ sản trung ương, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt trung ương, Răng Hàm Mặt TP.HCM, Nội tiết trung ương.

Quỹ lương của 9 bệnh viện này mỗi năm gần 900 tỉ đồng, của 2 bệnh viện thuộc 2 trường ĐH là gần 260 tỉ đồng.

Chưa chốt tăng lương cơ sở

Tại cuộc họp, một số ý kiến đề xuất tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1/1/2017, nếu tình hình ngân sách khó khăn có thể tăng thấp hơn dự kiến hoặc lùi thời điểm tăng đến giữa năm và tìm các nguồn để tăng lương theo đúng lộ trình, trong đó đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cắt giảm một số khoản chi...

Trong khi đó, một số bộ ngành cho rằng việc tăng lương cơ sở năm 2017 cần cân nhắc kĩ do đây là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020.

Với lương tối thiểu vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục đánh giá mức lương tối thiểu tác động tới đời sống của người lao động, doanh nghiệp; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi căn cứ mức xác định tiền lương tối thiểu vùng; tăng cường giải pháp cung cấp thông tin thị trường lao động để bảo đảm đồng thuận xã hội trong thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng hằng năm.

Đồng thời giao Bộ này hoàn tất việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 9 này.

Thúy Hạnh