Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, vẫn xảy ra một số vụ cháy lớn tại khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, chợ, nhà dân..., gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số công việc trọng tâm, cấp bách sau đây:
Hiện trường vụ cháy ở đường Trần Thái Tông xảy ra ngày 1/11 (ảnh Đoàn Bổng) |
1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (Chỉ thị số 47-CT/TW), Luật phòng cháy và chữa cháy, Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW và văn bản số 158/TB-VPCP ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các biện pháp thoát nạn, cứu người để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện. Tập trung công khai phê phán các hành vi vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của chủ cơ sở, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa chung.
3. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao, như: Khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nhà liền kề, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí…, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2017. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì thủ trưởng bộ, ngành, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc Công điện này, thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
PV