- Cố vấn trưởng dự án về BHXH khu vực ASEAN của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Celine Peyron Bista trao đổi về đề xuất tăng tuổi hưu.

Bộ LĐ-TB-XH đang đề xuất tăng tuổi hưu với lo ngại mất cân đối quỹ BHXH và sự già hóa dân số. Quan điểm của ILO?

Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BHXH đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá và nếu cần thiết thì phải thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội mới, trong đó có cả thay đổi tuổi nghỉ hưu.

Thực tế cho thấy già hóa dân số đang là vấn đề trên toàn cầu. Vì vậy, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này.

Mặc dù dân số Việt Nam chưa phải đã già, nhưng quá trình già hóa diễn ra rất nhanh trong 2 thập kỷ qua. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 66 (năm 1990) lên 76 (năm 2014).

{keywords}

Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở 60 đối với nam giới và 55 với nữ giới, tỉ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049), và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).

Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm đi do mức sinh giảm cũng như tuổi thọ tăng lên. Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để cải thiện tình hình cân đối về tài chính giữa đóng và hưởng.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bù đắp phần lao động bị thiếu hụt khi số người trong độ tuổi lao động bị giảm sút cũng như để duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí.

Nếu tuổi nghỉ hưu được nâng lên 65 đối với cả nam và nữ, tỉ lệ người nghỉ hưu so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng chậm lại. Nhờ vậy, quỹ hưu trí sẽ bớt bị áp lực về tài chính hơn.

Tuổi nghỉ hưu của nữ nên được nâng lên dần dần cho bằng nam để tận dụng nguồn lực đang có, đảm bảo sự bình đẳng nam nữ cũng như cải thiện mức hưởng lương hưu cho nữ giới. 

Thực tế, việc nữ giới nghỉ hưu sớm hơn nam giới khiến thời gian tham gia đóng BHXH của của họ bị ngắn hơn, do vậy mức lương hưu bị ảnh hưởng đáng kể.

- Nếu tăng tuổi hưu, cơ hội việc làm của người trẻ sẽ giảm đi, lao động thất nghiệp tăng lên. Theo bà, Việt Nam cần có giải pháp nào để giải quyết thực tế này?

Trong tương lai rất gần, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề ngược lại: sẽ không có nhiều lao động trẻ gia nhập thị trường lao động.  

Chúng tôi tin rằng sẽ không có sự cạnh tranh trực tiếp về việc làm giữa lao động có kinh nghiệm và lao động trẻ mới gia nhập thị trường do họ có kỹ năng và trình độ khác biệt nhau và họ không nhất thiết cùng xin một công việc.

{keywords}

Bà Celine Peyron Bista.

Việt Nam không thể tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 tuổi trong vòng 1 năm mà quá trình tăng phải diễn ra từ từ, theo lộ trình từng năm một. Đồng thời có những biện pháp để bảo vệ người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, lộ trình cải cách cần phải được thống nhất từ bây giờ.

- Có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi hưu sẽ tạo điều kiện cho những người có địa vị có thêm thời gian ngồi tại vị trí lãnh đạo. Nhưng tuổi cao nên xử lý công việc hiệu quả sẽ không cao. ILO đánh giá như thế nào về việc này?

Lợi thế quan trọng nhất của người cao tuổi là kinh nghiệm.

Chúng tôi không có ý rằng tuổi nghỉ hưu sẽ phải được tăng đến vô cùng, nhưng cũng không thấy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ có nguy cơ dẫn đến việc xử lý công việc không hiệu quả.

Trên bình diện toàn cầu, ILO cũng có quan ngại liên quan đến những việc làm đòi hỏi nhiều sức mạnh thể chất hoặc trong điều kiện khó khăn. Người lao động trong những công việc như vậy cần được xem xét đặc biệt.

- Việt Nam đưa ra đề xuất tăng tuổi hưu do mất cân đối quỹ BHXH, nhìn từ chính sách thu chi và tính BHXH cho người lao động VN, bà thấy có sự bất cập nào không? Kinh nghiệm của các nước trên thế giới để duy trì hệ thống quỹ ổn định như thế nào?

Hệ thống bảo hiểm của các nước phương Tây đã tồn tại từ lâu, nhưng các nước này vẫn liên tục cải cách hệ thống BHXH. Khả năng cân đối về tài chính của hệ thống sẽ phụ thuộc vào nhiều tham số như: tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng góp, tỉ lệ đóng góp, mức lương làm căn cứ đóng BHXH và công thức tính mức hưởng.

Chúng tôi có 2 mối quan tâm: tính bền vững về tài chính của hệ thống và tính đầy đủ của mức hưởng. Một mặt hệ thống cần cân đối về tài chính để đảm bảo khả năng chi trả các chế độ bây giờ và trong tương lai. Đồng thời, chế độ hưu trí cần đảm bảo một mức an sinh nhất định cho người nghỉ hưu.

Có nhiều giải pháp để đảm bảo sự cân đối giữa hai mục tiêu nêu trên. Điều quan trọng là tất cả các giải pháp này phải được xem xét một cách tổng thể. Điều đó có nghĩa rằng nâng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có lẽ sẽ cần những cải cách quan trọng khác trong tương lai, bao gồm kéo dài thời gian làm việc và tham gia vào hệ thống BHXH.

Việt Nam cần thực hiện đánh giá dự báo quỹ để xem xét tác động của những thay đổi này và sự cần thiết phải điều chỉnh các tham số của hệ thống, trong đó bao gồm công thức tính mức hưởng.

Vũ Điệp