Thú thực cũng có chút phập phồng hy vọng khi nối máy với ông Trịnh Xuân Giới. Nghĩ rằng chỗ cũng từng quen biết câu hỏi Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu sẽ được giải đáp phần nào? Nhưng cái thứ tò mò của tôi đến đây là tắc tỵ bởi ngay người ruột thịt nhất của Thanh với vẻ hoang mang cũng đang lắc đầu bí rị!

>> Xem phần 1: Chuyện người cha của Trịnh Xuân Thanh

Đối diện 2

… Chiều hôm trước nhà ông có khách. Đó là mấy anh em cán bộ thay mặt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang. Khách Hậu Giang vừa từ sân bay Nội Bài về thẳng đây. Một bịch nặng cây trái miệt vườn được rinh từ xe xuống làm quà.  

{keywords}
Ông Trịnh Xuân Giới

Trong số ấy ông biết có người đã đến thăm gia đình ông trước đó. Vẫn là ánh mắt thẳng thắn chất giọng xởi lởi của người miền Tây Nam bộ nhưng hình như bây giờ đang pha chút ái  ngại? Và cả một chút tò mò. Cả ngó nghiêng sau trước? 

Họ ngó họ trông chừng biết đâu may ra cái ông phó chủ tịch tỉnh của họ biết đâu đang lấp ló chỗ nào đó trong nhà. Ái ngại vì căn nhà rộng thênh chỉ có hai ông bà già đang vò võ đang thẫn thờ buồn bã nhìn thẳng vào khách mà rành rẽ cho hay cả tháng nay con trai ông bà không có ở nhà!

… Ông chủ nhà bất đồ đứng lên. Chất giọng cố hữu vẫn  như những lần họ được gặp ông dẫu trong lúc nguy biến bối rối này vẫn khẽ khàng rành rẽ. Ông thay mặt cho gia đình, lời đầu tiên là cảm ơn các đồng chí đã đến thăm hỏi han tình hình của em nó cháu nó. 

Thứ nữa là ông cũng thay mặt cho gia đình ngỏ lời xin lỗi các đồng chí và bà con cô bác của tỉnh nhà. Mặc dù việc của em (cháu) nó gia đình đang đợi các cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm minh rồi kết luận theo đúng trình tự của luật pháp nhưng gia đình cũng thành thật xin lỗi vì đã gây cho đồng chí và bà con những buồn phiền không đáng có. 

… Câu chuyện  như lui về một làng quê Mai Lâm yên ả quê ông. Nơi đấy có đông đúc hậu duệ của nhà chúa Trịnh Tùng. Nhiều năm nay ông Trịnh Xuân Giới có chân trong Ban liên lạc tộc Trịnh của cả nước. 

Thi thoảng cũng gặp ông bươn bả chi chút với việc họ. Lần mới đây nhất được nghe ông khúc chiết về y phục của Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng trên bức tượng đồng đang được khẩn trương chế tác để đặt tại Phủ Trịnh của làng Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nơi phát tích chúa tiên khởi Trịnh Kiểm. Khúc chiết bởi cái ông đại diện họ Trịnh mạn Đông Anh kia không chỉ bộc bạch với tư cách hậu duệ mà còn là tư thế của một tiến sĩ sử học Trịnh Xuân Giới.

Mà Mai Lâm Đông Anh, tôi chợt nhớ cái làng ông Giới đâu như láng giềng cận kề với làng của vị Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Lại loáng thoáng thêm hình như ông Giới từng có chân trong Ban (hay tổ?) biên soạn, soạn thảo văn kiện? 

Hỏi thêm thì được biết, ông Giới tham gia trong Ban soạn thảo văn kiện từ thời TBT Nông Đức Mạnh vắt sang thời TBT Nguyễn Phú Trọng. Thường có hơn 20 thành viên trong ban soạn thảo văn kiện thuộc đủ mọi lĩnh vực. Đó là một công việc hết sức đặc thù nghiêm cẩn không phải ai ngẫu hứng cũng trở thành thành viên của cái Ban ấy được.

Hiện giờ  ông vẫn là thành viên Tổ tư vấn đang chuẩn bị Dự luật tôn giáo trình Quốc hội. 

Tôi chùng chình một lúc nhưng rồi cũng vuột thẳng ra cái ý, tại sao ở chỗ quen biết, ông không mạnh dạn gặp TBT Trọng để nhờ thúc cái việc hay giải tỏa cái nạn của ông con đến nơi đến chốn? Nhưng tôi hơi bất ngờ thấy ông cười nhẹ rồi lảng sang chuyện khác. Bản tính trung thực cẩn trọng vốn không làm phiền người khác của ông Giới hay có chuyện chi khác?  Chịu, tôi chả thể biết được…

Bữa nay mười bốn âm, cận rằm Trung thu, từ phía gian tam bảo, âm thanh kinh kệ cùng chuông mõ vọng ra lúc khoan lúc nhặt. Âm thanh ấy như thứ vô ngôn nhưng như có lời giữa chúng tôi những lúc im lặng.Phật nghìn mắt Phật nghìn tay / Cớ sao lại để cảnh này Phật ơi. Thoáng cái câu tếu táo của một ông bạn thơ…   

Chao ôi thời buổi nay có vô khối mê lộ cùng hằng hà sa số con thuyền của chúng sinh lạc vào sông Mê bến Lú và hiếm hoi lắm mới có thuyền dạt vào bờ Giác? Hồi nãy ông có nói ngày sóc vọng (rằm, mồng một AL), thi thoảng ông và bà vợ vẫn qua đây hương khói vãn chùa.

Tự dưng cái câu Dẫu xây chín đợt phù đồ / không bằng làm phúc cứu cho một người ( Phù đồ, gốc tiếng Ấn Độ là Phật Đà. Phù đồ có nghĩa là xây chùa tháp để thờ Phật) lấn bấn trong tâm trí khi tôi hỏi thêm về một việc ban nãy ông có thoáng qua. Việc ấy cứ như một sự lạ trong nhà ông. 

Ấy là chuyện vợ chồng Trịnh Xuân Thanh có tới ba đứa con nuôi. Con nuôi? Chứ sao! Thực hư không biết đến đâu nhưng một đứa thì xin ở Đông Anh. Một đứa ở tận Quảng Ninh. Và một cháu nữa ở một tỉnh phía Nam. 

Điều lạ nữa không phải ba trẻ ấy đã nhớn nhao mà đều xin khi còn đỏ hỏn mới mấy tháng. Công đẻ chả bằng công nuôi. Các cụ mình bảo vậy. Thôi thì bao nhiêu công lệnh. Ba công trình xiết kể mấy mươi cái sự bú mớm cơm cháo thuốc thang cho ba đứa trẻ còn đỏ hỏn đến bây giờ đứa đã đi học tiểu học đứa vào mẫu giáo. 

Ông bà Giới bao năm cũng đã phải đóng vai Osin chăm cháu nuôi rồi đưa đón học hành. Công lênh của ông bà đã đành. Tôi chưa gặp chưa biết người vợ của Trịnh Xuân Thanh. Tất nhiên vợ chồng Thanh cũng phải thuê bảo mẫu để tiện việc chăm nuôi trông coi. Nhưng rõ ra cái sự cô vợ Trịnh Xuân Thanh phải là người như thế nào, phải có chút tố chất của cái tướng ích phu vượng tử đảm đang tháo vát và cả nhân hậu nữa thì mới làm được làm nổi cái sự lạ ấy chứ nhỉ? 

{keywords}

Ông Trịnh Xuân Giới với tác giả.

Tôi cũng không rõ con trai của ông Giới lắm nhưng khó có cái chuyện Trịnh Xuân Thanh là tác giả chính của việc nhận con nuôi này.

Thoảng chứng kiến thái độ bức xúc của ông Giới khi kể lại khúc nhôi làm giấy khai sinh cho các cháu nuôi, tôi như đọc như bắt gặp tình cảm lâu nay ông bà dành cho chúng. Ông Giới bức xúc rằng cái quy định bắt buộc là mặt sau tờ khai sinh phải ghi rất rõ là đứa trẻ này sinh ở nhà hộ sinh nào địa chỉ cụ thể. Tình trạng sinh. Là vô thừa nhận hay bố (hoặc mẹ) gửi vào … 

Ông Giới nói quy định ấy có gì như phản cảm khi đứa trẻ ấy sau này biết được gốc gác của nó dễ nảy sinh tình cảm tính cách không hay. Hãy đợi chúng trưởng thành cho chúng biết cũng chưa muộn. Tuy bức xúc nhưng quy định đã như thế ông cũng đành chấp thuận thì mới làm giấy khai sinh được cho các cháu.

Ngồi với ông cũng biết thêm hai đứa cháu nuôi không biết bị bệnh gì đã điều trị ở Bệnh viện Việt Pháp nhưng không đỡ phải đưa ra nước ngoài. Chợt mang máng trên mạng đang dậy lên chuyện đồn thổi vợ Trịnh Xuân Thanh đưa con ra nước ngoài? Phải là chuyện này không nhỉ?

Chịu chả thể biết được. Nhưng làm được cái chuyện đưa trẻ nhỏ đi chữa bệnh ở ngoại quốc phải là những người khá giả và rất có điều kiện. Trịnh Xuân Thanh rõ ra phải là cỡ đó hoặc hơn thế nữa. Chao ôi Trịnh Xuân Thanh từng ngông nghênh xe biển xanh và bao đồn thổi về đại gia vung vinh này. 

Không có lửa sao có khói? Thanh nói như ngôn ngữ teen quả là một con cá kiếm  cừ khôi. Con cá kiếm kiếm bộn tiền. Kiếm bộn tiền giàu có là một cách tụ. Tụ cũng như tán nếu không biết sẽ là thứ họa. Lẩn thẩn nghĩ thêm, việc nuôi những đứa con nuôi của nhà ấy hình như cũng là một cách tán hợp lý cho nhẹ đường âm đức?

Gẫm thêm cái câu họa phúc hữu môi phi nhất nhật (họa phúc nó có nguồn chả phải ập đến một buổi) để nghĩ thêm về gia cảnh nhà ông Giới. Phong lưu ấm êm chi cho bằng có con trai (Thanh sinh năm 1966) đã thành đạt hết nấc này đến bậc khác cả kinh tế lẫn chính trị. Lại có anh con Trịnh Hùng Cường cũng thành đạt chả kém.  

Cường sớm được gia đình đưa sang học nốt bậc THPT ở trường quốc tế Auckland, New Zealand.  Rồi Cường học đại học ở trường Queen Mary, London và tốt nghiệp vào năm 2014 rồi về nước.

Sau đó làm việc tại Halico, Cường đã nhanh chóng được bổ nhiệm chức Phó phòng ở tuổi 24.  Mới hôm nào còn nhộn nhịp người vô ra những chúc mừng chúc tụng chia vui mà nay trống trải buồn tênh căn hộ sang trọng hai ông bà già.  

Sớm còn xanh mượt như tơ / Tối thì tuyết đã phạc phơ bời bời (Triêu như thanh ty mộ như tuyết - Tương Tiến tửu của Lý Bạch, Trần Trọng Kim dịch). Có vẻ như tai họa đã không bất thần úp chụp xuống mái nhà ấm Ciputra mà ập xuống từ từ một cách êm ái? Hình như phụ huynh Trịnh Xuân Giới ít nhiều lâu nay đã để vuột con cháu mình khỏi cái tầm kiểm soát cần thiết?

Và bây giờ cái tay nổi tiếng cá kiếm ấy đang lặn nơi nào? Thôi về đi, phát lộ đi Thanh ơi. Dẫu thế nào cũng phải xuất hiện để đối diện với luật pháp. Thế giới dẫu mông mênh, hành tinh dẫu bao la nhưng cái thế giới này nó phẳng. Mắt phàm trần vô thường lẫn nhỡn lực của Đấng Tối cao có bao nhiêu phương cách định vị tinh vi  và  hữu hiệu? 

Âm thanh chuông mõ  đã bặt tự khi nào. Ngó tấm lưng ông như còng hẳn xuống của tuổi sắp tám mươi đang cố gò dẫn cái xe máy lên con dốc chùa Tảo Sách tôi bất giác quay vội đi…

Tôi lại chạm mặt với  lớp lang trùng điệp những tượng chùa.

(Theo Xuân Ba/ Tiền phong)