- Cử tri các huyện Bình Chánh, Nhà Bè (TPHCM) kiến nghị xem xét lại quy trình xử lý rác tại bãi rác Đa Phước. Còn cử tri các quận 1, 2, 6, Bình Thạnh phản ánh về tình trạng heo chết, rác…từ Bình Phước chảy xuống sông Sài Gòn.

Sáng 6/12, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa IX, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri TP.HCM trước và sau kỳ họp trước.

{keywords}
Chủ tịch HDND.TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm 
Đại diện cử tri huyện Bình Chánh, Nhà Bè kiến nghị kiểm tra lại quy trình xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước vì hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là khi trời mưa bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Trả lời ý kiến cử tri, UBND TP đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Công ty TNHH xử lý chất thải Việt nam thực hiện các biện pháp khắc phục giảm thiểu mùi hôi phát sinh.

Sở TN&MT đã có công văn đề nghị UBND Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh thong báo cho người dân được biết về nội dung chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP về nội dung chỉ đạo của lãnh đạo TP về việc khẩn trương xử lý ô nhiễm mùi hôi, hướng dẫn người dân phản ánh qua đường dây nóng Sở TN&MT.

Đại diện cử tri Quận 1, 2, 6, Bình Thạnh phản ánh vấn đề ô nhiễm sông Sài Gòn ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân TP. Hiện nay, thượng nguồn sông Sài Gòn có heo chết, rác (từ Bình Phước chảy xuống), dọc 2 bên song có rất nhiều Khu công nghiệp xả thải làm hạ nguồn bị ô nhiễm.

Cử tri đề nghị TP có giải pháp, phối hợp liên tỉnh, kiểm tra các nhà máy ven sông Sài Gòn, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước.

Trước phản ánh của cử tri, UBND TP đã có đề nghị Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai định kỳ khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm do Công ty TNHH Nông sản Việt Phước và tiến hành các giải pháp ngăn chặn, cải thiện ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bình Phước cũng đã tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các nguồn thải gây ô nhiễm làm ảnh hưởng chất lượng nước mặt của sông Sài Gòn-Đồng Nai và chia sẻ thông tin, kết quả giải quyết, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt trên tuyến sông nối liền 2 tỉnh.

{keywords}

Đối với giải pháp phối hợp kiểm tra liên tỉnh, UBND TPHCM đang chuẩn bị tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh 9 tỉnh gồm TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và Bình Phước” nhằm đảm bảo tính chủ động, kịp thời, hiệu quả và thống nhất… trong công tác quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh.

“Kỷ cương hành chính chưa nghiêm”

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, năm qua thành phố đã đạt được kết quả khả quan. Các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng hoàn thành đúng kế hoạch.

Tuy nhiên theo bà Tâm, chỉ tiêu thu ngân sách tăng cao, cải cách hành chính chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ, nhiều bức xúc của người dân chưa được quan tâm giải quyết kịp thời.

Nguyên nhân chủ quan là do kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ còn yếu.

Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Tiến độ thực hiện các chỉ đạo của UBND TP còn chậm; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại một số sở ngành, quận huyện chưa cao, phối hợp chưa tốt, năng lực cán bộ chưa đạt yêu cầu, chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin, sa vào sự vụ…

Bà Tâm đề nghị tại kỳ họp cuối năm các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích các nguyên nhân, đưa ra giải pháp để tăng thu ngân sách, giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đảm bảo tốt hơn các chính sách về an sinh xã hội.

Kỳ họp HĐND TPHCM sẽ kéo dài 4 ngày, tập trung thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng. Kỳ họp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày làm việc thứ 3. Về công tác nhân sự, kỳ họp sẽ bầu bổ sung một số chức danh của UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021.

V.Đ