- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước mắt UBND các tỉnh phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của người dân vùng sạt lở.
Sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau đó, Phó Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh ĐBSCL để tìm giải pháp phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến |
Phó Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, đây là khu vực đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức trong quá trình phát triển bền vững. Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết các địa phương trong vùng.
Theo thống kê, cả 13 địa phương trong vùng đều xảy ra sạt lở, với trên 400 khu vực sạt lở ở quy mô, mức độ khác nhau, tổng chiều dài gần 900km, trong đó sạt lở bờ biển là trên 310km. Riêng tỉnh Cà Mau có tới trên 150km bờ biển và 100km bờ sông, kênh rạch bị sạt lở.
Qua kiểm tra và nghe các bộ ngành, địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân khách quan do tình trạng mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát…
Nguyên nhân chủ quan là do tình trạng chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn; xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng ven biển, đê bao, bờ bao quá sát đường bờ biển.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các địa phương đã chủ động, tập trung ứng khó với tính trạng sạt lở, xâm thực bờ biển. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, còn nhiều tồn tại hạn chế phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Nghiêm cấm khai thác cát, sỏi nơi sạt lở
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt, UBND các tỉnh phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của người dân.
Phó Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh ĐBSCL để tìm giải pháp phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn |
“Các địa phương phải có phương án sơ tán kịp thời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, gia cố các khu vực sạt lở, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở bờ biển phức tạp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông lưu ý việc tổ chức kiểm tra, rà soát giao đất, giao rừng và quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển rừng ngập mặn, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp. Cùng với đó tổ chức quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ ven biển.
Đối với những khu vực sạt lở thấy cần thiết phải xây dựng công trình để bảo vệ bờ, trong đó sắp xếp thứ tự ưu tiên, nếu vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở hạn chế rủi ro thiên tai. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.
Ông cũng giao Bộ TN-MT tổ chức theo dõi và đánh giá hàng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy.
Đồng thời chỉ đạo việc rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển báo cáo Thủ tướng xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Sạt lở ở An Giang: 'Mất hết cả, chỉ kịp ôm bàn thờ người thân'
Một ngày sau vụ sạt lở, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng vì nhà cửa, tài sản tích cóp bao năm đã bị “hà bá” cuốn trôi.
Sạt lở ở An Giang: Dân mất nhà, mắc võng ngủ trong chùa
Sau sạt lở ở An Giang, nhà cửa tan hoang, thiệt hại tài sản cả tỷ đồng, người dân phải sống trong trường học, chùa chiền...
Sạt lở 'nuốt' chục ngôi nhà ở An Giang là do khai thác cát?
Người dân có nhà cửa bị nhấn chìm xuống sông trong vụ sạt lở kinh hoàng ở An Giang khẳng định, nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi…
Lo sạt lở lan rộng, An Giang kiến nghị di dời 20.000 hộ dân
Sáng nay, Bộ Trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và đoàn công tác của Bộ TN&MT đã trực tiếp thị sát khu vực sạt lở bờ sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Thu Hằng