- Toàn bộ 6 thủ tục được khảo sát: giấy CMND, sổ đỏ, giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký kết hôn, khai sinh, chứng thực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền.

Đây là một trong kết quả khảo sát "Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS)" do Bộ Nội vụ cùng MTTQ VN và TƯ Hội Nông dân VN công bố sáng nay.

Trong 6 thủ tục, đáng chú ý có 2 thủ tục: đăng ký kết hôn và giấy khai sinh theo quy định người dân không phải nộp phí nhưng lại là 2 lĩnh vực người dân phải bôi trơn nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt 21,9% và 28,4%.

Trong khi đó, thủ tục cấp sổ đỏ vừa được PAPI (chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh) công bố là lĩnh vực đứng đầu về tình trạng 'lót tay' với tỷ lệ 44% thì ở chỉ số SIPAS lại có kết quả hoàn toàn ngược lại.

Thủ tục cấp sổ đỏ là lĩnh vực đứng thứ 3 người dân ít bôi trơn nhất. Chỉ 9,7% người dân phải bôi trơn khi làm thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tương tự, thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở cũng là lĩnh vực người dân ít bôi trơn đứng thứ 2, chỉ 8,4% người dân phải bôi trơn khi làm thủ tục này. Lĩnh vực người dân ít bôi trơn nhất là thủ tục CMND với tỷ lệ 4,9%.

{keywords}

Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Chế Viết Sơn

“Tôi thấy điều này có phần chưa thuyết phục lắm”, Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Chế Viết Sơn nói khi VietNamNet hỏi ý kiến nhận xét của ông về kết quả khảo sát cho rằng người dân ít “bôi trơn” khi làm thủ tục sổ đỏ, giấy phép xây dựng nhà ở.

Lý giải về việc này, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ cho rằng: “Khảo sát của Bộ chỉ “chụp” lại ý kiến đánh giá của người dân, người dân đánh giá thế nào thì Bộ tổng hợp số liệu thế ấy”.

Còn kết quả khảo sát về tình trạng “bôi trơn” giữa chỉ số PAPI với chỉ số SIPAS có khác nhau là do đối tượng khảo sát khác nhau. Điều đó cũng dễ hiểu.

Dân chưa bằng lòng về đạo đức công vụ

Nói về kết quả khảo sát 15.120 người dân tại ở 10 tỉnh thành (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau), ông Hùng cho biết, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết TTHC với tỷ lệ hài lòng từ 74,4% - 89,5%.

Cụ thể, người dân hài lòng nhất với thủ tục kết hôn 89,5%, kế đến là thủ tục cấp giấy khai sinh 87,5 %, thủ tục chứng thực 86%. 

Ba thủ tục còn lại: CMND, giấy phép xây dựng, sổ đỏ, tuy tỷ lệ hài lòng của người dân có thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao trên 74%.

{keywords}

Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng

“Chỉ số SIPAS có vẻ cao nhưng chỉ số PAPI mới công bố cho thấy sự hài lòng của người dân cũng cao, chỉ số hài lòng của người dân ở các địa phương tự khảo sát cũng rất cao”, ông Hùng so sánh.

Tuy kết quả giám sát của MTTQ và TƯ Hội Nông dân về chỉ số này cũng cho thấy người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết TTHC nhưng con số cụ thể lại có độ vênh so với kết quả của Bộ Nội vụ.

Phó Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết mức độ hài lòng của người dân cao nhất đối với thủ tục kết hôn là 79,9% thay vì 89,5% như kết quả của Bộ Nội vụ. Còn người dân hài lòng ít nhất đối với thủ tục làm sổ đỏ ở mức 63,1% chứ không phải hơn 74%.

Đáng chú ý là đánh giá giám sát của MTTQ cho thấy người dân đánh giá cao chất lượng năng lực chuyên môn của công chức nhưng người lại chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức.

Hài lòng cao sao dân còn khiếu nại nhiều thế?

{keywords}
Nhiều đại biểu chọ rằng kết quả khảo sát chưa thực sự sát thực tế

Nhiều đại biểu cho rằng kết quả khảo sát chưa thực sự sát với thực tế.

Đại diện Hà Tĩnh băn khoăn: “Liệu những con số này đáng tin chưa, vì nó không tương đồng với những bức xúc mà người dân phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri”. Vị này đề nghị cần khảo sát trên diện rộng hơn để đưa ra một bức tranh chính xác hơn.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng cho rằng kết quả khảo sát khó tin. Theo ông có thể thời điểm khảo sát xa thời điểm người dân làm TTHC nên họ đã “quên” những phiền hà gặp phải.

“Người dân có thể 'tặc lưỡi' điền phiếu trả lời vì đã trót nhận tiền bồi dưỡng khảo sát”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, khảo sát kiểu này chưa hiệu quả, mẫu phiếu rườm rà, dân không hiểu hết, đôi khi đánh giá cho xong.

“Tại sao các kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân hài lòng cao thế mà người dân vẫn khiếu nại nhiều, báo chí, dư luận phản ánh ngược lại”, ông Sơn băn khoăn.  

Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long