- Vấn đề số 1 của y tế Việt Nam không phải là cơ sở vật chất hay trình độ chuyên môn, thái độ của nhân viên y tế mà chính là cách tổ chức.
LTS: Tại một hội nghị ngày 18/8 ở Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, xu hướng bổ nhiệm giám đốc bệnh viện sẽ không cần chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị. Bà cũng cho rằng, người làm quản lý không cần phải là giáo sư, tiến sĩ mà phải là người quản lý giỏi. Mời bạn đọc theo dõi câu chuyện nhọc nhằn khi vào bệnh viện dưới đây.
Trừ bệnh viện Hữu nghị và các bệnh viện tư nhân, bệnh viện nước ngoài, các bệnh viện Việt Nam đều được tổ chức vô cùng tệ.
Cách đây 2 năm ba tôi bị viêm phổi cấp. Ông cụ có BHYT ở mức cao nhất. Tôi đưa cụ vào 1 bệnh viện nước ngoài điều trị nhưng bệnh không đỡ. Sau khi tư vấn với các bác sĩ giỏi, tôi chuyển cụ sang khoa cấp cứu rất nổi tiếng của 1 bệnh viện hàng đầu của Việt Nam.
Tôi mang theo toàn bộ bệnh án, phiếu xét nghiệm, phim chụp của bệnh viện cũ.
Do có nhiều bạn bè làm việc ở bệnh viện này nên thủ tục nhập viện khá nhanh - là so với các bệnh nhân khác, chứ chạy đi chạy lại đóng tiền nọ tiền kia khá mất thời gian.
Xếp hàng từ 6h sáng tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Trần Thường |
Khoa cấp cứu rất hiện đại. Do Nhật tài trợ. Bác sĩ trực chỉ định chụp phim. Tôi nói:
- Ông cụ chuyển từ bệnh viện Y sang. Chụp phim, xét nghiệm vừa làm sáng nay, tôi mang cả đây. Hay là dùng các hồ sơ này cho nhanh?
- Bệnh viện ấy biết gì. Chỉ được cái đắt.
Tôi không cãi. Đã vào bệnh viện thì đừng bao giờ cãi bác sĩ.
Người ta đẩy 1 cái máy X quang đến gần giường của ba tôi, nhưng lại đè 1 cô chửa ngoài dạ con nằm giường kế bên ra để chụp. May tôi đứng đấy báo để họ chụp lại.
Xong đâu đấy khoa cấp cứu chỉ định chuyển ba tôi sang khoa Z. Ở các bệnh viện nước ngoài, chỉ cần đẩy cái giường mà bệnh nhân đang nằm đi. Nhưng ở Việt Nam thì không. Tôi phải đi kiếm 1 cái cáng để chuyển khoa cho ô cụ.
Không có 1 cái cáng nào rảnh cả. Trên tất cả các cáng đều đang có người nằm. Tôi phải nhờ đến ô bạn đang làm bác sĩ của bệnh viện này. Tìm mãi mới thấy 1 cái cáng, trên đó có 1 thanh niên khoẻ mạnh nằm hút thuốc phì phèo. Anh bạn bảo:
- Cho bác mượn cáng, lát nữa trả.
- Không được. Cháu phải đến từ sáng sớm đặt cọc 2 triệu mới có cáng để chốc nữa đưa ông cháu đi chụp phim.
- 2 triệu đây.
- Cháu không thèm vào 2 triệu của bác. Cháu cần cái cáng này.
Tôi hứa sẽ mang trả cáng và đưa hộ chiếu + 2 triệu làm tin, cậu thanh niên kia mới cho mượn cái cáng.
Đưa ô cụ sang khoa Z. 2 người đẩy cáng, 1 người giữ bình oxy, 1 người giữ bình dịch truyền, 1 người cầm ô che vì trời đang mưa. Thêm 1 Tề thiên Đại thánh là tôi nữa, cầm 1 đống hồ sơ giấy tờ. 5 người phục vụ 1 bệnh nhân. Mà bệnh nhân nào cũng thế, nhẹ thì 2, nặng thì 4-5 người đi theo, nên bệnh viện nào cũng đông, lộn xộn và bẩn như 1 cái chợ.
Sang khoa Z mọi chuyện lại bắt đầu từ đầu.
Bác sĩ trực đưa tôi 1 cái đơn:
- Anh ký vào đây.
- Cái gì thế bác sĩ?
- Cam kết chấp hành nội quy của bệnh viện.
- Cụ thể là gì?
- Là không đủ giường, phải nằm chung!
Tôi xem bảng trực của khoa. 80 giường, 154 bệnh nhân đang điều trị nội trú! Nằm chung là đúng.
Ba tôi là bác sĩ, đã 83 tuổi. Cụ bình thản bảo:
- Đưa ba về nhà. Chết thì thôi. Việc gì mà chết cũng phải chung giường!
Tôi lại phải nhờ đến anh bạn lãnh đạo Bộ Y tế gọi điện thoại. Rồi cũng có 1 cái giường.
Lại 1 núi thủ tục.
Riêng tiền cọc phải nộp 3 cửa khác nhau. Viện phí 1 cửa. Tiền thuê phích đựng nước nóng, quần áo, chăn màn 1 cửa. 1 cửa nữa thu tiền gì tôi không nhớ, tiền thuốc hay tiền áo khoác cho người đi thăm nuôi bệnh nhân thì phải.
Không thể hiểu nổi sao phải cần đến 3 cửa và 6 nhân viên thu ngân. Máy đếm tiền không có. Hàng chục người chờ nộp tiền. Riêng thủ tục này mất gần 1 buổi.
Bác sĩ tại khoa Z lại chỉ định chụp phim, xét nghiệm cho ba tôi như đối với 1 bệnh nhân mới nhập viện. Oải quá. 1 ngày 3 lần chụp phim, xét nghiệm thì không có bệnh cũng chết rồi nên tôi xin hoãn đến hôm sau.
Ngày hôm sau, đúng mùng 2 Tết, lại 5 người đến từ sáng sớm thuê cáng đưa ba tôi cùng bình oxy, lọ truyền dịch, dây nhợ lủng củng, ô che mưa, chăn mền sang khoa Chẩn đoán hình ảnh. Trời thì mưa to và lạnh.
Sang đến khoa, chờ hơn 2 giờ đồng hồ thì được thông báo là kĩ thuật viên ăn tết chưa đi làm. Mồng 6 tết mới đến. Cứ về khoa Z nằm chờ. Đúng là đau đẻ chờ sáng trăng. Cấp cứu mà chờ ông kĩ thuật viên nghỉ hết tết mới chụp phim được?
Bệnh viện hàng đầu của Việt Nam ngay thủ đô mà còn vậy.
Ba tôi bực quá - "Đưa ba về nhà. Chữa kiểu này thà chết còn hơn". Tôi lặng lẽ chuyển ông cụ sang bệnh viện thứ 3. Rất ngại các bạn bác sĩ của tôi tự ái.
Phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức ngày mùng 4 Tết (tháng 2/2016). Ảnh: Đào Mỹ Linh |
Tôi không trách gì các bác sĩ và nhân viên y tế cả. Họ đều rất giỏi chuyên môn và nhiệt tình cứu chữa cho ba tôi. Hơn nữa họ đều là bạn thân của tôi. Cũng không phải vấn đề tiền bạc. Vấn đề là cách tổ chức của bệnh viện Việt Nam quá tệ.
Tại các bệnh viện khác của Hà Nội tình trạng cũng hệt như vậy. Tôi đưa người nhà vào bệnh viện V để khám, có ông em là PGĐ của bệnh viện đi cùng giúp làm thủ tục. Tôi từ chối thanh toán BHYT, chấp nhận khám dịch vụ giá cao cho nhanh mà cũng mất 3 giờ đồng hồ mới làm xong thủ tục nhập viện.
Vì vậy tôi luôn nghĩ Bộ trưởng Y tế, giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện phải là 1 nhà quản lý chuyên nghiệp chứ không phải 1 GS.TS chuyên về vắc xin hay tim mạch...
Theo bạn, giám đốc bệnh viện phải là người như thế nào: một nhà quản lý giỏi hay một giáo sư, tiến sĩ? Hãy chia sẻ tới banxahoi@vietnamnet.vn chuyện đi khám chữa bệnh của bạn hay người thân. Bài viết thú vị sẽ được đăng tải. |
FB Minh Chiet