- Sở TN&MT Đắk Nông cho rằng, hàm lượng sắt và crôm tại suối Đắk Dao cao hơn giới hạn là do đặc điểm địa hình, thời tiết và “độ nhạy của thiết bị phân tích”.

Chiều 4/8, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin chính thức về sự cố tràn hóa chất xảy ra tại nhà máy Alumin Nhân Cơ của công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, xây dựng ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp.

{keywords}

Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND cho hay, vào khoảng 8h14 ngày 23/7, tại khu chứa kiềm (A03), nhà máy Alumin Nhân Cơ khởi động bơm kiềm S002b thì xảy ra sự cố vỡ ống đẩy của máy bơm khiến 9,58 m³ kiềm bị chảy ra ngoài.

Trong đó, một phần đã thẩm thấu xuống nền đất xốp liền kề có diện tích 600m² và một phần theo hệ thống nước mưa chảy ra suối Đắk Dao qua cửa xả nước mưa số 3 của nhà máy về phía hạ du của suối.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục khẩn cấp.

Ngày 24-25/7, đoàn công tác của Bộ TN&MT cùng Sở TN&MT, chính quyền địa phương, nhà thầu Chalieco cùng công ty Nhôm Đắk Nông đã kiểm tra thực địa vị trí xảy ra sự cố.

Sáng 25/7, đoàn phát hiện một số con cá chết tại suối Đắk Dao, cách điểm xả số 3 của nhà máy Alumin Nhân Cơ khoảng 1.500m. Đoàn đã khảo sát lấy mẫu, phân tích độ pH tại vị trí cửa xả số 3 thoát nước ra suối Đắk Dao và một số vị trí khác phía hạ du. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT cho thấy độ pH tại các vị trí khác tại suối Đắk Dao và cống xả số 3 nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn nước mặt.

Ông Ngô Xuân Lộc khẳng định, đến thời điểm hiện tại, sự cố tràn hóa chất tại nhà máy Alumin Nhân Cơ không phải là chất xả thải của nhà máy. Do đó, UBND tỉnh chưa có cơ sở để khẳng định hiện tượng cá chết có liên quan đến sự cố trên.

Ông Lộc cũng cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu công ty Nhôm Đắk Nông, Sở Y tế, Sở TN&MT, UBND huyện Đắk R’lấp và xã Nhân Cơ tiếp tục theo dõi tình hình chất lượng nguồn nước tại suối Đắk Dao và nước trong giếng của người dân; theo dõi diễn biến sức khỏe của những người dân bị phỏng rát, lở ngứa để phát hiện bất thường nếu có và có giải pháp khắc phục kịp thời.

“Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng, nguồn nước trên suối Đắk Dao đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn”, ông Lộc nói.

Trả lời báo chí về hàm lượng sắt (Fe), crôm (Cr) đo được tại một số điểm trên suối Đắk Dao vượt cao hơn so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông cho biết: Do đặc điểm địa hình, địa chất, hóa chất, cùng quá trình bào mòn, rửa trôi nên tại một số điểm trên suối Đắk Dao có hàm lượng Fe và Cr cao hơn một chút. Cùng với đó, do độ nhạy của các thiết bị máy móc đo các hàm lượng của những chất trên quá cao nên có thể dẫn đến hiện tượng này.

Về nguyên nhân cá chết, người dân bị phỏng rộp, nổi mẩn ngứa khi tiếp xúc với nguồn nước tại suối Đắk Dao, theo ông Hiệp, có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. “Việc này cần một cơ quan độc lập có đủ điều kiện, phương tiện và cần nhiều nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để phân tích mới có thể đưa ra được. Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ từ phía Bộ TN&MT” - ông Hiệp nói.

Ông Trần Văn Hùng - Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định, sau khi xảy ra sự cố, Sở đã giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm 2 mẫu nước trên suối Đắk Dao và 2 mẫu nước tại các giếng đào của các hộ dân gần suối. Kết quả, độ pH của các mẫu nước đều đạt chuẩn và nằm trong giới hạn cho phép.

Theo ông Ngô Tố Ninh - Phó giám đốc công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, nhà máy Alumin có diện tích khoảng 100ha, lại nằm trên đồi nên khi xảy ra mưa, nước tràn xuống khu vực bên dưới là không thể tránh khỏi.

Trùng Dương