Không ai đi biếu quà cho người không thích nó, thậm chí phản đối, phê bình người biếu tặng.
Có một giai thoại về Đức Phật, rằng: Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau... chửi.
Thấy Phật thản nhiên làm thinh. Họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
Ngài có điếc không?
Ta không điếc.
Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
Quà ấy về tôi chứ ai.
Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì điều mà ông chửi thuộc về ông thôi.
Tương tự như vậy, trong chuyện quà cáp biếu xén dịp tết, quan chức lãnh đạo không nhận thì hành vi biếu xén “vô hiệu” và quà ấy cuối cùng thuộc về người đi biếu.
Vì vậy, toàn hệ thống chính trị “nói không” với nạn biếu xén, “phong bao phong bì” trong để dịp tết thì bắt đầu từ các cấp lãnh đạo, cấp trên làm gương cho cấp dưới, từ trung ương cho đến thôn xã.
Không ai đi biếu quà cho người không thích nó, thậm chí phản đối, phê bình người biếu tặng. Chỉ sợ rằng quà cáp chốn công sở đã thành “tiền lệ”, xưa sao nay vậy, không có không được. Hoặc cấp trên thì vòi vĩnh, hoặc cấp dưới nếu không làm thì “không yên tâm”, hoặc cả hai “hiểu ý nhau”.
Ảnh minh họa |
Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả Huệ Anh trong bài viết “Kỳ vọng từ lệnh cấm biếu quà Tết Thủ tướng, bộ trưởng” trên VietNamNet: Nếu quan chức “cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa”.
Đúng, có “cầu” mới có “cung”. Những món quà “trên mức tình cảm” với hàng chục, hàng trăm triệu từ nguồn công quỹ là sự trá hình của nạn tham nhũng, hối lộ, lợi dụng lẫn nhau để trục lợi, là biểu hiện của lợi ích nhóm bất chính.
Không ít người nói rồi đây sẽ không có những dòng xe “biển số xanh” nhộn nhịp đổ về Hà Nội chúc tết như những năm trước nữa nhưng ở các địa phương thì sao, và ở các tư gia quan chức nữa? Thậm chí không ở tư gia mà ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm hẹn kín đáo nào đó thì sao?
Không vào “cửa trước”, người ta đi “cửa sau”, không trực tiếp thì gián tiếp, “quan ông” không nhận thì biếu “quan bà”, không biếu dịp tết thì biếu dịp khác. “Để qua tết em chuyển cho anh Năm nha”, “nếu anh ngại thì em chuyển phát nhanh”... Có bao nhiêu cách để che mắt thiên hạ chuyện quà cáp, biếu xén dịp tết.
“Chiến trường” quà cáp có thể không ồn ào nữa. Chỉ cú điện thoại, cuộc chuyển khoản, cái click chuột máy tính thì trong chốc lát quà đến các sếp ngay, cần gì phong bao phong bì nữa và chẳng sợ “tai vách mạch rừng”.
Nếu quan chức không liêm chính, thiếu lòng tự trọng thì nạn quà cáp biếu xén không chỉ không dứt mà còn biến tướng tinh vi.
Tôi rất đồng ý với Huệ Anh khi tác giả cho rằng: “Một khi sự vận động của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương còn mang nặng tính ban phát, xin-cho thì mối ân tình, quan hệ qua lại, trên dưới vẫn còn đất sống. Mà ân huệ càng nhiều thì quà cáp càng to, phong bì phong bao càng dày”.
Vậy vấn đề xóa “lệ” quà cáp biếu xén trong dịp tết thật không đơn giản chút nào, không thể duy ý chí, cứ muốn là được. Thiết nghĩ, vấn đề này thuộc phạm trù tương tự như chống tham nhũng, vì vậy trước hết phải xóa bỏ cho được cơ chế xin cho.
Và đặc biệt hơn nữa, đó là nhân tố con người, làm sao phải tuyển dụng được đội ngũ cán bộ liêm chính, hết lòng vì dân, vì nhân dân phục vụ. Có như thế thì mỗi năm khi tết đến xuân về, cấp trên lo cho cấp dưới, quan chức toàn tâm toàn ý chăm lo đời sống cho dân đón xuân. Người dân mong lắm thay!
Bạn có đồng quan điểm với tác giả? Bài viết, ý kiến gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được xem xét đăng tải. |
Lê Xuân Chiến