- Góp ý đề án tái cơ cấu nền kinh tế tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không phải bắt nguồn từ việc tiền ở đâu”.

Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu, cái gì quyết định quá trình tái cơ cấu của DN, theo GS Nguyễn Thiện Nhân có hai cách tiếp cận. 

Cách thứ nhất, phải có vốn, có tiền, coi có tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào để sản xuất, bán hàng, thu lại doanh thu, có kết quả. 

XEM CLIP:

Quan điểm thứ hai không xuất phát từ tiền mà từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt. Từ đó thiết kế sản xuất mua đầu vào, triển khai sản xuất, bán thành phẩm, thu hồi vốn, tái đầu tư. 

“Thực tế đã chỉ ra rằng có rất nhiều DN đã tái cơ cấu bằng cách đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án gang thép Thái Nguyên không hề thiếu vốn. Vốn ban đầu là 3.600 tỉ đồng, sau đó nâng lên là 8.000 tỉ đồng nhưng rồi  vấn đề là vẫn không hoạt động hiệu quả”, ông dẫn chứng.

Theo Chủ tịch MTTQ VN, vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy. Tái cơ cấu ở đây không phải bắt nguồn từ việc tiền ở đâu mà câu hỏi phải là thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người ở đâu, tiền ở đâu và đất ở đâu.

Chủ tịch MTTQ cũng lưu ý việc tái cơ cấu DN khác với tái cơ cấu một ngành. Cụ thể, tái cơ cấu DN, chủ DN điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi phát mệnh lệnh thì mọi cấp dưới phải thực hiện và chủ DN vì lợi ích của mình sẽ quan tâm đeo bám việc tái cơ cấu. Nhưng việc tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy, không có ai là chủ sở hữu của cả dây chuyền sản xuất, cũng không có ai có quyền ra lệnh cho cả các khâu…

“Tóm lại, để tái cơ cấu ngành chúng tôi cho rằng, cần hợp tác công tư chứ không phải chỉ về vốn”, Chủ tịch MTTQ khẳng định.

Kiều hối gấp đôi ODA

Vấn đề nữa được GS Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến là vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả. 

{keywords}
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Quốc Anh)

Theo ông, mỗi tỉnh do một Tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo, kết quả kinh tế xã hội của tỉnh đó một mình hưởng, không có ai lãnh đạo chung một vùng và  kết quả của một vùng được hưởng. 

Vì vậy, xu hướng là mạnh ai nấy làm. Để triển khai cơ cấu vùng phải có ba đại diện. Phải hợp tác công tư giữa ba bên (chính quyền, hiệp hội và doanh nghiệp).

Đề cập đến vấn đề vốn, ông Nhân cho rằng, điều kiện ngân sách công thời gian tới không nhiều do nợ công còn cao, vốn trong dân đã khó. Làm thế nào phát huy được tốt nguồn vốn, đặc biệt là vốn nước ngoài thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm. 

“Nếu tận dụng tốt cái này thì gấp 2 lần ODA. Cho nên nguy cơ phụ thuộc vào ODA là không phải đáng kể”, ông nói.

Chủ tịch MTTQ VN cho rằng để thu hút đầu tư cần tập trung thu hút của 10 nước đang đầu tư lớn nhất và 12 nước có tiềm năng lớn nhất nhưng đầu tư rất ít vào Việt Nam.

Nói về nguồn nhân lực, ông Nhân cho rằng chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa. Lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao và đặc biệt là chi phí lao động chúng ta thấp so với các nước…

Chủ tịch MTTQ VN cho rằng, trong thời gian tới cần coi trọng tối đa việc sử dụng phát huy vốn lớn nhất chính là con người. Sử dụng vốn con người phát huy vốn con người là ưu tiên số 1.

Thu Hằng – Hồng Nhì - Đức Yên (clip: VTV)