- “Người ta thường hay nói “cái áo đã quá chật”. Các đồng chí tiếp tục nêu ra với Bộ Chính trị, với Chính phủ xem cái áo quá chật này là như thế nào, ở đâu?”, Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.HCM.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kết quả toàn diện, tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Đặc biệt, Thủ tướng ấn tượng TP là địa phương đồng hành cùng cả nước trong nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, từ giải quyết thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, đến giáo dục, y tế, chủ quyền biển đảo…
“Hình ảnh người ta để một cái thùng hay cái rổ, cái rá ở ngoài chợ Bến Thành rồi người dân lần lượt đi qua, đưa tiền vào đó là hình ảnh rất cảm động của nhân dân TP”, Thủ tướng nói việc đóng góp từ thiện của TP ủng hộ bà con bị thiên tai ở mọi miền Tổ quốc rất đáng trân trọng.
Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM sáng 23/6. Ảnh: VGP |
Không thể đi theo vết xe của các TP khói bụi
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có thể thấy rõ những khó khăn, hạn chế của TP trong phát triển”.
Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP, là nơi thu hút FDI sớm nhất và mặc dù 6 tháng đầu năm vốn FDI gấp 2 cùng kỳ nhưng trong 10 năm qua, tỉ lệ vốn FDI thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý….là những ví dụ Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nêu một vài con số đáng suy nghĩ: công nghiệp dịch vụ chiếm 99% GDP nhưng đất dành cho công nghiệp dịch vụ chỉ 7% diện tích. Một ha đất công nghiệp dịch vụ tạo giá trị gia tăng 50 tỷ đồng trong khi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị gia tăng 68 triệu đồng.
“TP có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp với diện tích đang khai thác 3.748 ha nhưng cũng chỉ xấp xỉ 50% diện tích đất quy hoạch cho công nghiệp. Vậy nguyên nhân nào trong nhiều năm, TP không mở rộng được diện tích khu công nghiệp làm tốc độ công nghiệp chậm so với cả nước?”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Chỉ ra bất cập về hạ tầng đô thị, ùn tắc, úng ngập, ô nhiễm, kết nối giao thông với sân bay, bến cảng, Thủ tướng cho rằng, không thể để TP.HCM đi vào vết xe của các TP khói bụi, ô nhiễm và tắc nghẽn, làm mất đi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh. Đây cũng là thách thức khi mà TPHCM là trung tâm chất thải lớn nhất cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "TP.HCM phải là thành phố toàn cầu, đô thị thông minh". Ảnh: VGP |
Thủ tướng nêu quan điểm phát triển đối với TP.HCM đó là phải phấn đầu trở thành TP toàn cầu, là nơi hội tụ Đông Tây, đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt Nam (mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách) là sự khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn mà ông đã phát biểu cách đây 1 năm: “Đó là một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, là động lực cho phát triển bền vững và là đầu tàu cho cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.
“Vậy các giá trị, nguyên tắc cốt lõi của TPHCM là gì?”, Thủ tướng gợi ý mô hình phát triển đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh, đề cao kỹ trị, tôn trọng tiếng nói của người dân, xây dựng con người văn hóa, văn minh, xã hội gắn kết và rộng mở, tăng trưởng xanh, bền vững và sáng tạo.
Theo đó, TP.HCM cần phát triển bao trùm, tức là mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về cơ hội phát triển, hưởng lợi công bằng từ thành quả phát triển, môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho mọi tài năng trẻ và bất kỳ ai có ý chí vươn lên…
Là một trong 5 địa phương cạnh tranh tốt nhất
Thủ tướng đặt hàng TP phải tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào của TP đứng bên lề của sự phát triển.
Chú trọng phát triển TP bền vững, cạnh tranh, bao gồm năng suất cao, nâng cao chất lượng cuộc sống, tỉ trọng dịch vụ và sáng tạo trong cơ cấu kinh tế phải tăng nhanh...
Nhất trí với 7 chương trình đột phá mà Đại hội X của Đảng bộ TP.HCM đề ra, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quy hoạch TP, có tầm nhìn xa và đổi mới cách làm quy hoạch.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan và Thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2017”, Thủ tướng nói.
TP phải dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và cơ chế một cửa; phải nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất, là nơi thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn cả nước. Cần tạo ra đột phá mới trong đầu tư tư nhân.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM cần đi tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, trung tâm giáo dục quốc tế, trung tâm y tế quốc tế, tạo dựng môi trường tốt, cơ chế tốt để thu hút người giỏi trong nước và quốc tế đến TP.HCM.
Cái áo của TP đã quá chật, là như thế nào, ở đâu? Ảnh: VGP |
Thủ tướng cũng lưu ý TP.HCM cần đặc biệt lưu ý đến phát triển bền vững, đòi hỏi giải pháp căn cơ, dài hạn trong chống ngập và phải làm sớm.
“Thành phố có khối lượng chất thải công nghiệp dịch vụ lớn gấp 10-20 lần cả nước, phải xem lại chiến lược xử lý rác bằng giải pháp công nghệ mới. Ta tôn trọng giấy phép đầu tư đã cấp nhưng không thể tiếp tục mở rộng chôn lấp rác”, Thủ tướng yêu cầu phải biến rác thành năng lượng, thành phân bón, rác phải được tái chế, sử dụng.
TP.HCM cũng cần chủ động xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung-cầu và lan tỏa về công nghệ, sáng tạo. Thủ tướng nói và bày tỏ ủng hộ TP.HCM lập đề án phát triển vùng để tìm ra một cơ chế khuyến khích các dự án liên kết vùng.
“Áo đã quá chật”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP xây dựng các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Đó là sự thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý đô thị nhờ vào công nghệ mới trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và mục đích phục vụ của một thành phố thông minh, hướng tới yếu tố “đáng sống” của TP.
Ảnh: VGP |
TP.HCM phải tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới, nhanh chóng xử lý các vấn đề điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn như cơ chế khuyến khích và quản lý cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai.
“Người ta thường hay nói “cái áo đã quá chật”. Các đồng chí tiếp tục nêu ra với Bộ Chính trị, với Chính phủ xem cái áo quá chật này là như thế nào, ở đâu?”, Thủ tướng bày tỏ. “Các đồng chí cần làm thành công để cả nước rút kinh nghiệm”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh TP cần mạnh dạn, chủ động nghiên cứu, đề xuất với TƯ các giải pháp có tính pháp lý cao hơn, kể cả xây dựng luật pháp để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.
“Đội ngũ của TP.HCM, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm. Chúng ta hãy vượt qua suy nghĩ TP đã đạt đến ngưỡng rồi, không thể phát triển bứt phá. Chúng ta hãy nhìn ra những thành công trong khu vực và thế giới. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
3 dự án đất vàng đắp chiếu làm xấu bộ mặt TP.HCM
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lý do 3 dự án nằm trên đất vàng ở quận 1 bị đắp chiếu.
TP.HCM cho thuê vỉa vè: Giám đốc Sở giải thích
Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu tính phí cho thuê vỉa hè trên từng tuyến đường chứ không theo giá đất từng quận, huyện như dự thảo trước đó.
'Sốt đất ảo' ở TP.HCM là bài học kinh nghiệm
“Bài học này cho TP một kinh nghiệm là tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm”. – lời Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Bài toán giả định chuyển đổi đất của Bí thư TP.HCM
“Phải rà soát lại quỹ đất, giành lại quỹ đất, không thể để thiếu đất làm ách tắc sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM” – lời ông Nguyễn Thiện Nhân.
Cảnh báo của Bí thư TP.HCM về nguy cơ tội phạm tăng
TP.HCM là nơi tập trung nguy cơ tội phạm cao nên vai trò của Công an TP rất quan trọng.
Xuân Linh