- Cả nước duy nhất có UBND tỉnh An Giang qua thanh kiểm tra phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong trích 1,2 triệu đồng tiền ngân sách mua quà tặng.

Thông tin này được Cục trưởng Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết tại hội nghị tổng kết thực hiện Bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 hôm nay.

Tại hội nghị, Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhận định, tham nhũng đã vượt qua biên giới mỗi quốc gia và trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước trên thế giới.

{keywords}

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh

Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước xác định tham nhũng là quốc nạn, diễn ra nghiêm trọng, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng. Vì vậy việc đo lường, đánh giá phòng chống tham nhũng là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước.

Ông Thanh cho biết, tháng 6/2016, Tổng thanh tra Chính phủ đã phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng với UBND cấp tỉnh (PACA INDEX) 2016. Qua triển khai cho thấy một số địa phương có tâm lý làm đẹp số liệu để đạt điểm cao.

Theo ông Đạt, kết quả đánh giá toàn quốc phản ánh tương đối đúng thực trạng công tác phòng chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay. Cụ thể, điểm trung bình chung toàn quốc là 58,11/100 điểm, cho thấy còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đề ra.

Đồng thời, mức độ đạt được về phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa, tỉnh đạt điểm cao nhất là Lào Cai đạt 77,67 điểm và thấp nhất là Vĩnh Long với 43,53 điểm.

“Đáng quan tâm, việc kiểm tra các quy định về nộp lại quà tặng và tặng quà không thường xuyên và liên tục, quá trình thanh kiểm tra không phát hiện sai phạm. Cả nước duy nhất có UBND tỉnh An Giang qua thanh kiểm tra phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong trích tiền ngân sách mua quà tặng (1,2 triệu đồng)”, Cục trưởng Chống tham nhũng cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh, điều đó chứng minh quy định này còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi. Mặt khác, việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, ông Đạt cũng cho biết, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập với tổng số bản kê khai là 0,057%. Tức 10.000 người kê khai thì có 1 người được xác minh tài sản thu nhập. Riêng năm 2015, có 563.266 người phải kê khai, và có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Cục trưởng Chống tham nhũng cũng lưu ý: “Phát hiện và xử lý tham nhũng là khâu yếu trong phòng chống tham nhũng của các địa phương”.

Thu Hằng