- “Chưa có Dự thảo quy định “ngực lép, thấp bé nhẹ cân…” không được lái xe như một số cơ quan báo chí thông tin”.
Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) Nguyễn Thành Lâm với VietNamNet xung quanh quy định tại thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GTVT ngày 7/8 (gọi tắt là dự thảo) như một số cơ quan báo chí thông tin.
Tương tự, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo chí đã nhầm lẫn khi phản ánh về chuyện “ngực lép”, bởi Bộ Y tế chỉ mới thành lập ban soạn thảo và chưa công bố lấy ý kiến nội dung dự thảo nào liên quan đến vấn đề này.
Trước khi soạn thảo sẽ khảo sát các thông số, chỉ số sinh học (chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực, tình trạng sức khỏe) của những người đang lái xe. Các chỉ số khảo sát này góp phần làm cơ sở xây dựng các chỉ số sức khỏe bảo đảm cho vận hành phương tiện giao thông. Từ đây sẽ có các quy định khác nhau với lái xe chuyên nghiệp và lái xe của gia đình.
Chưa có dự thảo quy định “ngực lép, thấp bé nhẹ cân…” không được lái xe như một số cơ quan báo chí thông tin - (Ảnh: Pháp luật TP.HCM) |
Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT Nguyễn Thành Lâm cũng nói rõ, tổ biên tập của ban soạn thảo Thông tư liên tịch Quy định tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe, khám sức khỏe định kỳ …mới chỉ họp tranh luận phiên đầu tiên và chưa trình lên ban soạn thảo nên không thể có chuyện có Dự thảo quy định ngực lép, thấp bé nhẹ cân… không được lái xe như một số cơ quan báo chí thông tin
Ông Lâm cho biết, chỉ khi nào tổ biên tập của Ban soạn thảo viết xong, xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và tập hợp các ý kiến rồi biên tập lại mới gửi ban soạn thảo. Sau đó ban soạn thảo lại họp và đưa ra công luận xin ý kiến rộng rãi…
Khi được hỏi, trong phiên họp đâu tiên của tổ biên tập ban soạn thảo, quy định vòng ngực, chiều cao… đối với người lái xe được tổ biên tập tranh luận như thế nào?
Ông Lâm cho biết, năm 2008 khi Bộ Y tế đưa ra Quy định tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe trong đó có quy định về việc “vòng ngực, chiều cao…” dư luận đã có ý kiến, chính vì vậy nên bây giời phải sửa đổi.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng khẳng định, việc đo lồng ngực, đo lực tay… là quy định bắt buộc khi khám sức khỏe lái xe. Và thực tế quy định này đã có trên thế giới. Vấn đề khi áp dụng vào Việt Nam quy định chỉ số như thế nào cho phù hợp thì ban biên tập vẫn đang tính toán lấy ý kiến rồi mới trình ban soạn thảo.
“Việc đặt ra những quy định trên là để tốt cho người dân, bởi những người có sức khỏe, có lồng ngực đạt tiêu chuẩn thì sẽ làm chủ được tốc độ vận tốc của xe, điều này sẽ an toàn cho người điều khiển phương tiện và cho cả cộng đồng”, Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho hay.
Ông Lâm cũng dẫn chứng, việc quy định vòng ngực, chiều cao… đối với người lái xe thế giới cũng đã áp dụng khi khám sức khỏe. Bởi thực tế độ cao không đảm bảo, không phù hợp, tay ngắn chân ngắn thì sẽ không lái được xe phân khối lớn.
“Hiện nay xe mô tô từ 150 cm3 trở lên được quy định là xe đua và với những người điều khiển loại xe này phải có chiều cao cân nặng và lồng ngực phù hợp mới chịu được áp lực của gió. Trái lại với xe phân khối nhỏ, tốc độ của xe thấp thì lồng ngực thấp không cần cao. Cái này tổ biên tập cũng đang tranh luận và làm cho chuẩn mực để quy định phù hợp với sức khỏe của người điều khiển phương tiện”, ông Lâm nói.
Vũ Điệp