- “Có nhiều kho báu nằm rải rác trên lãnh thổ Việt Nam, trị giá hơn 900 tỷ USD, hiện do “các cụ” đang trông coi. Nếu muốn lấy số tiền này, người nắm giữ “chìa khóa” kho báu phải gặp trực tiếp lãnh đạo cao nhất của nhà nước để xin giấy phép khai thác…”, câu chuyện đầy hoang đường, huyễn hoặc nhưng lại khiến người ta sập bẫy.

‘Kho báu’ tỷ USD

Theo nội dung sự việc, Nguyễn Thành Chơn quen biết ông H.V.C.– trụ trì một chùa ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Vào khoảng tháng 5/2013, trong một lần đến chùa chơi, Chơn được ông C. khoe hai hộp Bond series 2003, 2006 đồng thời đưa cho Chơn nhờ Chơn kiểm tra giá trị.

{keywords}
Bị cáo Chơn trước vành móng ngựa

Sau khi nhận hai hộp Bond trên, Chơn gặp chị L.T.L.(SN 1973, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) rồi thêu dệt lên một câu chuyện đầy huyễn hoặc. Chơn dựng lên câu chuyện đầy bí ẩn về quá trình hình thành kho báu, chuyện kho báu này liên quan đến Ngân hàng Thế Giới, đến tổ chức có tên là Hoa Mai Hội…Chơn cho biết mình đang nắm trong tay 2 hộp Bond và cho rằng đây là chìa khóa mở kho báu, trị giá mỗi hộp Bond là 274 tỷ 300 triệu USD.

Theo lời Chơn nói, toàn bộ số tiền trên đang nằm trong kho báu rải trên lãnh thổ Việt Nam, có kho báu nằm tận ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Các kho báu do “các cụ” đang trông coi. Nếu muốn lấy số tiền này ra, người giữ “chìa khóa” là 2 hộp Bond trên phải gặp trực tiếp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước để xin giấy phép khai thác, vận chuyển kho tiền giao lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích an sinh xã hội, người có công khai thác sẽ được hưởng theo tỷ lệ phần trăm hoa hồng.

Muốn khai thác kho báu thì phải chi tiền để “chi phí phát quan hệ”, “chi phí vận chuyển tiền”, “chi phí thăm các “Cụ” giữ kho”. Thêu dệt câu chuyện xong, Chơn cho L. xem 02 hộp Bond để người này chụp ảnh lại.

Những cuộc ngã giá

Chị L. đem câu chuyện và hình ảnh kể lại với N.N.T. (SN 1958, Bình Dương). Câu chuyện cứ thế lan truyền, tiếp tục đến tai chị N.T.T.H. (SN 1949, ngụ quận 9, TP.HCM). Sau những cuộc trao đổi, thương lượng, chị H. đồng ý chi tiền để sở hữu 2 hộp Bond và khai thác kho báu.

Khi còn chút nghi ngờ, phía chị H. cũng yêu cầu Chơn cung cấp kèm theo 2 bộ Bond phải có 07 block tiền USD đủ các mệnh giá từ 1 USD đến 100 USD, thậm chí cả tờ có mệnh giá 1.000.000 USD được khai thác từ kho báu.

Biết không có kho tiền cổ thật nhưng để chị H. tin tưởng chi tiền, Chơn đã bỏ ra 1,35 tỷ đồng nhờ những người quen liên hệ đổi tiền. Không biết rõ mục đích của Chơn, họ đã biết đến các ngân hàng và tiệm vàng trên thị trường TP.HCM đổi số tiền Việt Nam đồng trên sang các block USD mệnh giá 01 USD, 02 USD, 10 USD, 50 USD, 100 USD có series năm 2003, 2006. Lúc này, đinh ninh đó là tiền được khai thác từ “kho báu”, chị H. đã chi tiền.

Ngoài việc thương lượng quyền khai thác, Chơn cũng từng đem 2 hộp Bond đến thế chấp cho chị H. lấy 500 triệu đồng. Với thủ đoạn trên, sau khi trừ đi số tiền USD Chơn đã đổi và đưa cho chị H., Chơn còn chiếm đoạt của chị tổng cộng 1,85 tỷ đồng.

Ngày 26/7/2013, ông H.V.C. đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Thành Chơn. Khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, các nạn nhân mới “ngã ngửa” về những cuộc thương lượng của mình.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 14/8, ngay sau khi nghe đọc bản cáo trạng truy tố, Chơn cho rằng mình hoàn toàn ‘không biết’, không nói gì về câu chuyện huyễn hoặc liên quan đến cổ vật hay kho báu nào. Từ đó, bị cáo cho rằng mình bị oan. Trái ngược với lời khai của Chơn, các bị hại, người liên quan đều thừa nhận nội dung bản cáo trạng truy tố. Họ khẳng định Chơn chính là “tác giả” của câu chuyện “kho báu tỷ USD” để thuyết phục người khác chi tiền.

Phát biểu quan điểm về vụ án, VKS cho rằng có đủ cơ sở kết luận Chơn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án 16 đến 18 năm tù.

Sau khi nghe VKS phát biểu quan điểm, ý kiến bào chữa của các luật sư, HĐXX cho biết sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 17/8.

M.Phượng