- "Nhà đầu tư đừng để cơ quan quản lý phải đưa giá bát phở, cốc nước chè vào luật để quản. Anh tự quyết định giá bán. Tuy nhiên, khi anh bán bát phở lên đến giá 100 nghìn thì cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính”.

Bộ trưởng Thăng: Thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay

Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Tăng khẳng định: Việc chuyển nhượng sẽ làm thí điểm đối với từng sân bay, không chuyển nhượng đồng loạt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết tại Hội thảo “Xã hội hóa quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức sáng 8/4. 

XHH phải hạn chế độc quyền 

Tại Hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng - TGĐ Tổng Công ty Cảng hàng không VN cho biết: Hiện Vietnam Airlines và VietJet Air đang đề nghị được khai thác sảnh E và nhà ga T1 Nội Bài. Việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là trường hợp thiểu số trên thế giới. Do vậy, khi chuyển nhượng cần phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận công bằng với các dịch vụ tại sân bay. 

“Nếu không đưa ra được các quy định cụ thể, chính sự độc quyền sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay”, ông Hùng nói. 

{keywords}

Chuyển nhượng nhà ga, Cảng hàng không phải  hạn chế độc quyền.

Cục trưởng Cục Hàng không VN  Lại Xuân Thanh thì cho rằng, chống đốc quyền, hay nói đúng hơn là chống vị thế đốc quyền thì hệ thống cơ sở pháp lý cần phải được quy định rõ.

Theo đó, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tất cả các loại phí hàng không do Bộ Tài chính quy định. Tất cả các giá dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại Cảng hàng không phải được thực hiện trong khung giá do Bộ GTVT quy định. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương lại ví thị trường nhượng quyền khai thác sân bay như một “sân chơi”.  Ở  sân chơi này nếu nhiều người chơi và được cùng thông tin đầy đủ thì tự nhiên sẽ có cạnh tranh. Còn nếu chỉ có một hoặc ít người chơi, cơ quan quản lý phải tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Độc quyền là vấn đề Bộ GTVT rất quan tâm khi nghiên cứu việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, sân bay có đặc thù là kinh doanh có điều kiện nên không phải ai cũng có thể mang sản phẩm cung cấp vào được vì phải đảm bảo an ninh, an toàn. 

“Khi bàn về dự thảo Luật Hàng không, các chuyên gia đã tranh luận gắt gao về việc bát phở, cốc nước chè bán trong sân bay có cần đưa vào quản lý hay không? 

Quan điểm của chúng tôi là nhà đầu tư đừng để cơ quan quản lý phải đưa giá bát phở, cốc nước chè vào luật để quản. Anh tự quyết định giá bán. Tuy nhiên, khi anh bán bát phở lên đến giá 100 nghìn thì cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính”, ông Tiêu nói. 

Nhà đầu tư "nóng ruột", cơ quan quản lý thận trọng

Ông Nguyễn Đức Tâm - Phó TGĐ Vietjet Air cho biết: Là hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn”, Vietjet hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất. 

Toàn bộ dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp.  Do vậy, hãng mong muốn được chuyển nhượng Nhà ga T1, sảnh E thông qua đề xuất được nhượng quyền. 

“Nếu được chuyển nhượng chúng tôi sẽ có điều kiện về mặt bằng tại nhà ga, bãi xe trong sân đỗ… đảm bảo dịch vụ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định vững chắc”, ông Tâm khẳng định.

Ngoài ra, đại diện Vietjet cũng cho biết, hãng rất mong muốn được tham gia đối tác chiến lược khi doanh nghiệp mặt đất cổ phần hóa nhưng việc phê duyệt còn gặp nhiều khó khăn. 

“Có công ty mặt đất ở TP HCM, chúng tôi xin tham gia đối tác chiến lược nhưng chỉ được mua có 4%. Cũng không được tham gia vào HĐQT, như vậy thì ảnh hưởng và khả năng đóng góp vô cùng hạn chế. Trong khi đó, các hãng khác đều có dịch vụ mặt đất của riêng mình”, ông Tâm trăn trở.

Ông Lê Mạnh Hùng - TGĐ TCty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, ngoài việc nhượng quyền khai thác Cảng hàng không sân bay đang được Vietjet Air, Vietnam Airline, Jestar hay Sun Group đề xuất thì Sân bay Đà Nẵng cũng đã thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư.

Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các nhà đầu tư để triển khai đúng trình tự theo quy định và Bộ cũng đang xây dựng đề án Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay trong từng dự án.

Cục Trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, XHH hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay hết sức phức tạp và Bộ GTVT chỉ đạo phải thận trọng trong việc xây dựng đề án. Sau khi đề án hoàn thành phải báo cáo Chính phủ rồi mới có thể thực hiện các bước tiếp theo.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói rõ, hiện Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền quản lý, khai thác cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GTVT sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền. 

Trong trường hợp nếu có một nhà đầu tư thì sẽ xem xét còn nếu có 2 hay 3 nhà đầu tư trở lên thì sẽ tiến hành đấu thầu.

Về việc định giá hạ tầng hàng không sân bay, Thứ trưởng Tiêu cho biết, sẽ do Bộ Tài chính chủ trì. Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Tài chính định giá và công khai sau khi công khai các vấn đề pháp lý. 

Vũ Điệp