- Không thuê được đội kèn, mỗi đám tang chỉ lác đác vài người túc trực bên linh cữu…đó là tình cảnh đang diễn ra trong những gia đình không may có người thiệt mạng do lũ dữ ở huyện Nghĩa Hành vào chiều 17/11.

Theo thống kê, hiện Quảng Ngãi có 18 người chết và mất tích do trận lũ kinh hoàng vừa xảy ra. Chính quyền cùng nhân dân địa phương đang dốc sức khắc phục hậu quả do lũ để lại.

Chiều 17/11, có mặt cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đi thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình có người thiệt mạng do lũ lụt trên địa bàn huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn về những mất mát, đau thương do cơn lũ dữ gây ra.

{keywords}

Đám tang của cháu Thảo chỉ có vài người dự.

Cháu Vương Thị Thu Thảo (12 tuổi học lớp 5C trường tiểu học Hành Minh, thôn Nam Thọ 1 – Hành Đức), là con gái của chị Trịnh Thị Cẩm Thuyên.

Sáng 15/11, Thảo đi học qua khu vực Cầu Dài, cách nhà khoảng 3km đã bị nước lũ cuốn trôi, sau khoảng 20 phút người dân vớt được lên, nhưng đã muộn.

Thảo là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Bố mẹ em đi làm công nhân ở Bình Dương, nên Thảo ở với ông bà ngoại.

Nghe tin con mất, bố mẹ em tức tốc bắt xe đò về quê, nhưng đến Bình Định bị tắc đường, mãi gần trưa 17/11 mới về đến nơi.

Nhà có đám nhưng im ắng như tờ, quanh đi quẩn lại chưa đến 10 người trong đám tang của Thảo. Bố mẹ em đã không còn nước mắt để khóc con.

Nỗi thương xót càng tăng thêm, khi hàng xóm đang phải tập trung chống lũ, chỉ thắp cho em nén hương rồi lại về ngay.

Các thầy cô giáo trường em cũng chưa thể đến chia buồn với gia đình. Ông ngoại của em bảo: “Muốn thuê cho cháu đội kèn, nhưng bây giờ ai cũng lo dọn lũ, chẳng có người mà thuê”.

Một hoàn cảnh thương tâm khác, bà Phạm Thị Hồng Trinh ở thôn An Chỉ Tây, Hành Phước ở cùng vợ chồng người con gái.

Chiều 15/11, thấy các con lúi húi dọn dẹp, kê đặt tài sản lên cao, dù đang mệt bà cũng xắn tay làm. Không may khi bê đồ, đất trơn nên bà ngã và bị tai biến, do nước lũ lên cao gia đình không thể gọi cấp cứu hoặc đưa bà đi viện, nửa đêm thì bà Trinh qua đời.

Không có cáo phó, gia đình bà phải lấy tờ lịch khổ A3 viết mấy dòng thông báo rồi treo lên cánh cửa, khiến ai đến viếng cũng lặng người thương cảm.

{keywords}

Cảnh vắng vẻ trong đám tang cụ Tuyết. Bên dưới là nền nhà trơn trượt

Lội bì bõm hàng trăm mét nước ngập quá đầu gối chúng tôi mới đến được căn nhà cấp bốn lụp xụp của cụ Nguyễn Thị Tuyết (88 tuổi) ở thôn Long Bàn Bắc – Hành Minh – Nghĩa Hành.

Cụ Tuyết có hai người con gái lấy chồng ở thôn bên, cụ ở với người con trai út bị bệnh tâm thần.

Ngày 15/11 nước lũ tràn về quá nhanh, cụ không kịp thoát ra ngoài nên thiệt mạng, sáng hôm sau hàng xóm mới tìm thấy xác cụ trong nhà. Nhà cụ Tuyết chật đến nỗi chiếc áo quan đặt ở gian ngoài đã choán hết cả lối đi, mỗi lần thắp nến thay hương, con cháu cụ phải đi vòng ra cửa sau để vào nhà.

Ngôi nhà nền đất nên nhão nhoẹt sau nước lũ, mọi người phải lấy bao dứa trải lên cho khỏi trơn. Còn dưới sân mọi người phải chống gậy đi qua, đi lại cho khỏi ngã.

{keywords}

Đoàn công tác của bộ Tư lệnh Quân khu 5 động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng 3 triệu đồng.

Chia sẻ với những khó khăn mất mát của người dân Quảng Ngãi, Bộ Tư Lệnh Quân khu 5 đã hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng.

Những ngày tới, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 5 sẽ hành quân đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả trận lũ, sớm ổn định đời sống.

Bình Định: Nhiều ngôi nhà tan hoang sau mưa lũ

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh, chảy xiết đã gây sạt lở, sập đổ nhiều ngôi nhà trên địa bàn phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) và xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) tỉnh Bình Định.

Nhà sập hoàn toàn, gạch gói, tôn, xà gồ cùng nhiều đồ đạc nằm ngổn ngang giữa dòng nước lũ khiến cuộc sống nhiều người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Theo thống kê sơ bộ Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, đến 21h, tối 17/11, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 84 ngôi nhà bị hư hỏng.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra; trong khi đó, người dân cũng đang nỗ lực gượng dậy sau lũ để sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

{keywords}

Anh Huỳnh Văn Hợp ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) như kiệt sức và bất lực trước cảnh tan hoang giữa ngôi nhà đổ nát do mưa lũ - Ảnh: Trọng Nguyễn.

{keywords}

Ngôi nhà tình thương của cụ Trần Thị Lo (83 tuổi) xã Phước Thuận đổ sập hoàn toàn - ảnh: Trọng Nguyễn

{keywords}

Nhiều ngôi nhà ở khu vực Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) tan tác sau lũ

{keywords}

Một số ngôi nhà nằm tuyến đường từ ngã 3 cầu Bà Di về Tháp Bánh ít đến nay chân móng bị nước lũ xâm thực, đứng trước nguy cơ ngã đổ.

{keywords}

Một gian nhà bị lũ cuốn phăng tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước)

{keywords}

Em Nguyễn Dịu Linh (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Phước Thuận) phơi sách vở bị ướt sau lũ đến tiếp tục đến trường sau khi nước lũ rút

Trọng Nguyễn

 

Việt Hùng