- Cách đây mấy năm, đại biểu QH Đỗ Văn Đương còn phát hiện “cứ mỗi lần QH họp, giá xăng lại giảm”. Nay, QH vừa khai mạc kỳ họp buổi sáng, tối xăng tăng giá.

Đúng ngày khai mạc kỳ họp QH 20/5, giá xăng dầu trong nước đã tăng khá mạnh, 1.200 đồng/lít. Thế nhưng, mức tăng đã được "hạ tông" so với thực tế "đáng lẽ ra phải tăng" theo cách nói thường thấy của quan chức Bộ Tài chính.

Quyết định tăng giá xăng dầu như vậy đúng vào thời điểm được cho là nhạy cảm đã chứng tỏ quyết tâm tăng giá theo chủ trương thị trường như các quan chức điều hành đã nhiều lần khẳng định.

Với các nguyên tắc thị trường đó, áp vào thực tế, giá xăng dầu suốt 15 ngày qua trên thị trường Singapore - căn cứ điều chỉnh giá trong nước đều trên ngưỡng 80 USD/thùng, trong khi 15 ngày trước đó, giá xăng bắt đầu bằng số 7. Đỉnh cao nhất là gần 84 USD/thùng đối với xăng vào ngày 18/5.

Tuy nhiên, điều tréo ngoe ở đây là chu kỳ tăng giá mạnh như vậy bắt đầu đúng vào lúc thuế bảo vệ môi trường cũng bắt đầu tăng gấp 3 lần.

Cho nên, ngoài yếu tố khách quan của thị trường thế giới, mặt bằng giá xăng dầu tới đây nếu có cao hơn trước còn có nguyên nhân chủ quan từ việc điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam.

Ba lần giá xăng tăng từ đầu năm đến nay đã báo trước một điềm không lành về giá cả hàng hoá trong nước.

Hoành tráng giá dầu, thê thảm giá dưa

Có một sự thiên lệch rất rõ giữa mức tăng và mức giảm..

14 lần giảm giá xăng liên tục của 6 tháng trước, từ tháng 7/2014 - 1/2015, ngoại trừ 3 lần giảm trên 1.000 đồng/lít, mức giảm mỗi lần còn lại hầu hết chỉ khoảng 300-500 đồng, thậm chí có lần chỉ vỏn vẹn 32 đồng.

Nhưng khi tăng, các khoản điều chỉnh đều rộng và chỉ 3 lần tăng giá xăng vừa qua, tỷ lệ tăng đã lên tới 30%. Tổng mức tăng này đã bằng tới 48% của 14 lần giảm giá trước đó.

Trong khi đó, cũng là theo thị trường nhưng nhiều hàng hoá trong nước và hàng xuất khẩu lại giảm nhiệt rất mạnh. Điển hình nhất là nông lâm thuỷ sản.

Giá dưa hấu của Quảng Nam, Quảng Ngãi dịp tháng 4 vừa qua khi xuất sang Trung Quốc đã rớt từ trên 10.000 đồng/kg chỉ còn mức loanh quanh 3.000 đồng. Mức giá bên kia biên giới này gần như xấp xỉ với mức giá dưa tại ruộng.

Kế đến là hành tím Sóc Trăng, cũng từ mức 25.000 đồng/kg, bị tồn đọng đã phải hạ thê thảm còn 5.000 đồng.

Hành tím, dưa hấu hay thanh long và lo ngại nhất hiện nay là vải thiều đều luôn đứng trước nguy cơ bị ép giá bởi thương lái Trung Quốc. Quy luật cung cầu theo kiểu "được mùa mất giá" cộng với việc chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ bị tắc nghẽn, đã khiến cho quyền quyết định cuối cùng là các thương lái Trung Quốc. Hạ giá, người nông dân thiệt thòi nhất.

Trong khi đó, trên "mặt trận" xuất khẩu, hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam cũng đang bị báo động đỏ khi thua lớn bởi cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Việt Nam đã rớt hạng mạnh ở mặt hàng gạo, bị gạo Pakistan, Ấn Độ vượt mặt, lấn chiếm thị phần ở các thị trường mới như ở châu Phi. Từ thứ hạng thứ 2, rồi 3, giờ Việt Nam chỉ còn đứng thứ 4 về xuất khẩu gạo, với mức giá cũng thấp hơn nước bạn tới 10-15 USD/thùng.

Nhìn từ mặt hàng xăng dầu cho đến các loại nông sản, giá cả ở Việt Nam có sự chia tách rõ. Có khu vực đã bắt đầu dậy sóng và sẽ tăng chóng mặt như xăng dầu, nước, điện. Sự "chóng mặt" đó lại không đơn thuần chỉ là theo thị trường, mà còn do yếu tố điều hành giá của Nhà nước và đều rơi vào các mặt hàng cơ bản, đầu vào của sản xuất.

Còn lại, ở khu vực hàng hoá tự do khác, các hàng tiêu dùng, phục vụ đời sống sinh hoạt như lương thực thực phẩm lại giảm giá theo mùa vụ, theo thương lái Trung Quốc và theo sự cạnh tranh từ các quốc giá khác. Nông dân và doanh nghiệp Việt đứng trước sức ép bị thua lỗ vì giá đầu vào nhiên liệu tăng.

Phạm Huyền