- Phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế - xã hội với vấn đề an dân. Lòng dân chưa thuận thì khiếu kiện tranh chấp về đất đai tiếp tục tồn tại.

Đó là quan điểm của Phó đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nêu khi tranh luận về cơ chế thu hồi đất theo quy định của luật Đất đai (sửa đổi). Ông Vinh ủng hộ cơ chế "trưng mua quyền sử dụng đất" thay cho "thu hồi". Theo ông, dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) điều 58 quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ", Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quy định quyền tài sản là tài sản.

Do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp. Vì vậy, khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất có cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh

"Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất" - ông phát biểu.

Ông cho hay, doanh nghiệp và người dân đều là những chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, các chủ thể này phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cả về quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu chỉ quy định thu hồi đất thì  đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào.

Tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng lên, không phải sở hữu của Nhà nước nhưng theo ông, lâu nay vẫn đánh đồng 2 làm 1 là "thu hồi tất".

"Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?".

Ông nhấn mạnh, cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế-xã hội với vấn đề an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục đích phát triển kinh tế - xã hội cũng khó đạt. Vì lòng dân chưa thuận, tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại.

Thu hồi phải có quyết định riêng

Về thu hồi đất, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng dự thảo luật chưa có quy định xác định rõ như thế nào là thu hồi đất vì mục đích, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, chưa có các tiêu chí tổng thể để phân biệt giữa các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất với các dự án đầu tư kinh doanh khác.

{keywords}
ĐB Dương Hoàng Hương

Với cách quy định trong luật mới chỉ liệt kê cụ thể và lại có độ mở khá cao về các trường hợp thu hồi, ĐB còn lo lắng luật sẽ bị lợi dụng, nhất là với trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, từ đó khó khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, không thực sự vì lợi ích chung của quốc gia, của cộng đồng.

ĐB đề nghị dự thảo cần quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là để sử dụng vào mục đích chung phi lợi nhuận, bổ sung tiêu chí xác định dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phân biệt rõ với các dự án đầu tư kinh doanh có nhu cầu sử dụng đất khác.

Phó đoàn ĐBQH Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phản ánh thực tế thời gian qua, các cấp chính quyền lợi dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quy hoạch đất, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất đai, ra quyết định thu hồi đất của dân giao cho tư nhân trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án kinh tế, đô thị, khu dân cư một cách tràn lan, gây lãng phí đất đai.

Do đó, ông đề nghị vấn đề này Quốc hội, UBTVQH nên lấy phiếu xung quanh dự án phát triển kinh tế do địa phương quyết định.

{keywords}
ĐB Ngô Văn Minh

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì đề nghị khi thu hồi đất phải có quyết định thu hồi riêng, có bồi thường. Hai, tính về tài sản phải bồi thường thiệt hại thoả đáng cho người dân theo nguyên tắc thoả thuận bằng một quyết định hành chính riêng.

Không thể đền bù theo giá của Nhà nước

ĐB Nguyễn Thanh Thụy phản ánh bảng giá đất bất cập. Thực tế cho thấy giá đất do UBDN cấp tỉnh ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với thị trường, chỉ bằng khoảng 40%. Hà Nội và TP.HCM chỉ bằng 18-30% giá thị trường.

Theo ĐB, hiện nay hầu hết đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh đã được nhà nước cho thuê, phần lớn doanh nghiệp được thuê đất có diện tích rộng, thậm chí vượt nhu cầu, thêm vào đó, do công tác quản lý nhà nước còn buông lỏng và giá thuê đất quá thấp nên nhiều doanh nghiệp giữ đất sử dụng đất sai mục đích và cho thuê lại để hưởng chênh lệch địa tô diễn ra khá phổ biến.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp mới thành lập khả năng tiếp cận đất trực tiếp của nhà nước rất khó khăn, thường phải đi thuê lại của doanh nghiệp trước đó với giá rất cao.

Nếu quy định giá đất thuê như dự thảo luật sẽ không đảm bảo cân đối thu chi ngân sách từ đất đai. Vì khi thu hồi đất nhà nước đã bồi thường theo giá thị trường, tức là mua theo giá cao, nếu cho thuê theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định sẽ thấp hơn rất nhiều so với thị trường, tức là bán theo giá thấp.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thanh Thụy

ĐB Trần Ngọc Vinh thì góp ý, các quy định về giá đất phải giải quyết được vấn đề hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không để tình trạng giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất thấp trong khi các nhà đầu tư được lợi rất lớn, có khi cao gấp hàng trăm lần khi chuyển nhượng đất, giao đất cho người khác trên thị trường.

"Nhà nước không nên đứng ra đền bù đất cho các dự án kinh tế bằng bảng giá đất của Nhà nước" - ông nói.

Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng