- Nhân buổi công bố báo cáo Điều tra kinh tế - xã hội của LHQ khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2015 hôm nay, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM), chia sẻ nhận định về câu chuyện nông sản.
>> Dưa bán kiểu 'nhân đạo' thì hội nhập kinh tế thế nào?
>> Nỗi đau dưa hấu, nỗi niềm mắc ca
Báo cáo này cho thấy triển vọng phát triển kinh tế của VN trong năm 2015-2016 vẫn còn khó khăn, thể hiện ở mức độ hồi phục chậm chạp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Nhưng theo ông Võ Trí Thành, những khó khăn của nông nghiệp cũng phải được xem xét nghiêm túc.
"Xuất khẩu hàng nông sản giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay. Các hiện tượng xã hội đã thấy rõ một số mặt hàng khó khăn như thế nào. Tuy trong tổng thể, đóng góp của những mặt hàng đó không lớn, nhưng chúng biểu hiện những khó khăn mà ở đằng sau là câu chuyện về đời sống người nông dân", Viện phó CIEM nói.
Ông Võ Trí Thành: Nông sản chính là nhóm hàng duy nhất luôn xuất siêu của VN. Ảnh: Chung Hoàng |
Nói về thách thức khi VN bước vào một thời kỳ hội nhập mới với các cơ chế sắp tới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số hiệp định tự do thương mại (FTA) sắp ký, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh các khu vực công nghiệp, dịch vụ đều sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh to lớn đòi hỏi những nỗ lực chuyển đổi mạnh mẽ.
"Nhưng trong đó, cũng có cơ hội. Có những ngành vốn là thế mạnh được dự báo sẽ bùng nổ xuất khẩu, trong đó có nông sản. Sẽ có những mặt hàng ta bị thâm hụt thương mại, nhưng có những mặt hàng sẽ xuất siêu, và nông sản chính là nhóm hàng duy nhất luôn xuất siêu của VN", ông Thành nói.
"Nông sản hiện nay mới xuất thô thôi, bị bao nhiêu hàng rào kỹ thuật chặn lại, với biết bao nhiêu quy trình hành chính đang hành người nông dân, thế mà chúng ta vẫn cạnh tranh được, nghĩa là tiềm năng vô cùng lớn. Sắp tới tự do hóa, hàng thô đã tốt rồi mà được chế biến sâu nữa thì đây chính là lĩnh vực mà VN rất có lợi thế".
Ông Võ Trí Thành phân tích: Những người trong khu vực nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ rất cần được quan tâm trong xem xét sự tăng trưởng bao trùm của một quốc gia.
"Họ không kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu dùng từ A đến Z, họ không chỉ gặp rủi ro về thị trường mà còn về tiêu chuẩn kỹ thuật, giống, chế biến, bảo quản... Vị thế mặc cả của họ trên thị trường cũng rất yếu, luôn bị chèn ép. Chuyện đó cũng tương tự nếu đem áp dụng vào giao thương quốc tế, chưa kể trong giao thương giữa các quốc gia còn có những rủi ro về thay đổi chính sách phi thị trường", Viện phó CIEM nói.
Vì thế, chuyện không chỉ là của quả dưa hấu hay người nông dân, mà là chuyện của sản xuất nông nghiệp VN: Không có lợi thế về quy mô, thiếu gắn kết với chuỗi cung ứng, không có vị thế phân chia lợi ích từ chính những sản phẩm mình làm ra. Và cải tổ nền nông nghiệp phải nhắm vào nâng cao chính các điểm còn hạn chế này.
"Cái khó ở đây chính là ta phải dựa vào thị trường, không thể cái gì Nhà nước cũng làm. Cũng như vừa rồi, không thể bằng tình thương mãi được, vì hôm nay là dưa hấu, mai có thế là những mặt hàng khác giá trị cao hơn. Không thể lấy xúc cảm thay cho những hoạt động có hiệu quả", ông Võ Trí Thành nói.
"Nhà nước phải làm đúng những cam kết trong quá trình hội nhập, nhưng cũng phải dựa trên nền tảng và những tín hiệu quả thị trường. Chính vì Nhà nước không thể làm tất cả nên mới cần đến thị trường. Hy vọng những nỗ lực tái cấu trúc nền nông nghiệp sẽ giải quyết được câu chuyện như của dưa hấu mà cứ lặp lại năm này qua năm khác".
Chung Hoàng