- Trong gần hai thập kỷ, hành lang các cuộc họp QH đã trở thành nơi các nhà báo đặt ngai vàng để tác nghiệp. Hành lang QH đã thực sự đã có vai trò đặc biệt kết nối giới truyền thông, giới lãnh đạo cao cấp và các đại biểu của nhân dân với nhau trong không khí chan hòa, cởi mở và tin cậy hiếm có. Nhà báo chưa bao giờ được QH tôn trọng như thế.

Nhà báo nhiều hơn đại biểu

Từ năm 1993, năm bắt đầu thực hiện chủ trương truyền hình trực tiếp các cuộc họp QH, mỗi kỳ họp có hàng trăm nhà báo được cấp thẻ. Theo ông Đỗ Văn Tri, người phụ trách báo chí của QH trong gần hai mươi năm, đã có kỳ họp số nhà báo được mời tham dự lên đến hơn 600 người, trong khi số đại biểu tham gia kỳ họp chỉ khoảng hơn 300 vị.

Bản thân người viết bài này cũng thường xuyên được VPQH cấp thẻ cho tham dự hàng chục kỳ họp, khi thì dự thính với tư cách đạo diễn điện ảnh, khi thì tác nghiệp với tư cách nhà báo. Nhưng anh em nghệ sỹ chúng tôi thích cái thẻ báo chí do VPQH cấp hơn thẻ nhà báo vì trong đó có rất nhiều tình cảm và kỷ niệm.

  "Quốc hội khóa 9" (tác giả chụp cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và đại biểu Quốc hội khóa 9)

VPQH bố trí hơn 30 người bóc băng các phát biểu từng ngày và in thành mấy trăm bộ để phục vụ nhà báo, mỗi ngày gần 300 trang tài liệu. Nhưng nhiều người vẫn ngồi trong Hội trường cùng các đại biểu theo dõi trực tiếp các cuộc họp.

Giờ giải lao, nhà báo được tự do đi lại trong mọi không gian Hội trường, hành lang, sân sau để tác nghiệp, chụp ảnh kỷ niệm cùng đại biểu. Trong suốt mấy nhiệm kỳ QH, việc các nhà báo đứng chuyện trò cởi mở, tranh luận và phỏng vấn các lãnh đạo cao cấp như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… ở hành lang hội trường, ở sân hay ở nhà phụ, cạnh quầy bia là chuyện rất bình thường.

Tôi nhớ Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy trả lời phỏng vấn về bão lụt với giọng rất nhỏ nhẹ, hiền lành. Tôi đứng nghe ông nói, nhớ đến những hình ảnh ông mặc áo mưa đi thuyền trong bão đến các vung đang ngập lụt, thấy rất đậm nét hình ảnh một con người tận tụy, thương dân. 

Tổng bí thư Đỗ Mười từng sôi nổi tranh luận với phóng viên hãng AP (Mỹ) ở ngoài sân. Khi bị hỏi vặn, ông vỗ vai phóng viên AP thân tình: “Anh về bật Đài Tiếng nói Việt Nam lên nghe nhé, có đủ các thông tin anh hỏi. Tôi ngày nào cũng nghe đài BBC, nghe Đài tiếng nói Hoa Kỳ của các anh!”.

Có lần nhà báo Xuân Ba và tôi đứng nói chuyện với Tổng bí thư Đỗ Mười, khi tôi hỏi về vấn đề đa đảng ở Trung Quốc thực hư thế nào, ông không né tránh mà vung tay trả lời luôn: “Kinh nghiệm sinh học cho thấy không có ong chúa thì đám ong quân sẽ chia đàn ra đánh nhau ngay! Trung Quốc hiện nay có 8 đảng, nhưng đảng cộng sản vẫn là ong chúa, nên không có vấn đề gì cả!”. Xuân Ba có kể lại cuộc gập gỡ này trên báo Tiền Phong.

Tổng bí thư Đỗ Mười trò chuyện thân mật với báo chí

Truyền hình trực tiếp và …bia

Khi chủ trương truyền hình trực tiếp các cuộc họp QH được đưa ra lần đầu năm 1993, không ít người lo ngại và phản đối. Các vị lãnh đạo và quản lý lĩnh vực thông tin lúc đó như Hữu Thọ, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm… cũng tỏ ý băn khoăn, không yên tâm, sợ truyền hình trực tiếp đại biểu nói lỡ lời thì không có cách gì chữa được.

Nhưng sau đó, thực tế việc truyền hình trực tiếp các phiên họp đã chứng tỏ đây là bước đổi mới có tính đột phá trong hoạt động báo chí nghị trường nước ta, đem lại một không khí dân chủ, công khai và cởi mở chưa từng thấy, gây phấn khích cho hàng triệu cử tri.

Năm 2005, Chủ tịch Nguyễn Văn An đánh giá rất cao ý kiến phản hồi trên báo chí  của những cử tri theo dõi truyền hình trực tiếp và đã vận dụng ngay các ý kiến đó vào việc điều hành các phiên họp. Từ thực tế đó, Ủy ban Thường vụ quyết định tăng gấp đôi số buổi truyền hình và phát thanh trực tiếp các kỳ họp QH, từ 4,5 buổi lên 8,5 buổi.

QH thế kỷ trước thường cho đại biểu và nhà báo uống bia thoải mái. Mỗi ngày hàng chục bom bia. Quanh cốc bia, nhà báo và đại biểu QH trở nên bạn bè gần gũi.

Một lần Nguyễn Trọng Tạo và tôi uống bia trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu, ông nói nhiều tâm sự, trong đó có kể ý kiến của Bác Hồ về dân chủ: “Ông cụ nói rất giản dị về dân chủ. Dân chủ là làm thế nào cho dân mở miệng ra!”.

Một lần khác tôi cũng tranh luận với Tố Hữu về thơ Trần Dần ở bàn bia trong giờ QH giải lao. Tôi nói: “Cháu thấy thơ Trần Dần có thi pháp tụng kinh, tưởng là thừa, lặp lại nhưng có một hiệu ứng rất lạ, rất ma mị, trùng trùng điệp điệp như gương trong gương”. Tố Hữu đáo để bật lại luôn: “Động kinh chứ tụng kinh gì!”.

Những ngày qua, khi thấy nhà báo theo dõi họp QH không còn có hành lang rộng rãi để tác nghiệp thoải mái như ngày trước, một số người đã băn khoăn: “Phải chăng, đó là dấu hiệu cho thấy quyền lực và thông tin ngày càng có sức mạnh và trở nên đắt giá, hay đây chỉ là một tình huống nhất thời do QH chưa có chỗ họp riêng, phải mượn tạm Hội trường của Quân đội, nên báo chí chưa thể sống lại thời oanh liệt ngày xưa?”

Có lẽ nhận ra được nỗi niềm băn khoăn ấy nên VPQH đã điều chỉnh kịp thời, cho các phóng viên phỏng vấn đại biểu ở hành lang. Đó là dấu hiệu cho thấy thời oanh liệt của báo chí vẫn chưa hề kết thúc.

Nhà thơ - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn 

Kỳ 2: Mạng thông tin 'siêu nóng'