“Hàng loạt di tích nhà cổ trong đô thị cổ Hội An xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được trùng tu sữa chữa. Nguy cơ những di tích này biến thành phế tích là điều khó tránh khỏi nếu không có biện pháp đồng bộ để bảo vệ các di tích này....”- Đó là khẳng định trong báo cáo của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An...
 
Di tích có nguy cơ biến thành phế tích

 
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện đã có 103 di tích xuống cấp trầm trọng cần được tu sữa và bảo vệ.


Qua giám định, 103 di tích xuống cấp này có 63 di tích mới xuống cấp trong thời gian gần đây, 40 di tích còn lại đã xuống cấp từ nhiều năm trước và đã được chống đỡ tạm để khỏi sập đổ.


Cơ quan chuyên môn của Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhấn mạnh: Hiện tại có 38 di tích xuống cấp một cách nghiêm trọng, nếu không có kế hoạch đầu tư trùng tu khẩn cấp thì những di tích này có nguy cơ ...biến thành phế tích là điều khó tránh khỏi.

 

Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng đề nghị đóng cửa nhưng vẫn khai thác kinh doanh rất nguy hiểm

Mặc dù các di tích này đang ngày càng xuống cấp và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, nhưng chủ nhân của những di tích này vẫn tổ chức khai thác để mở cửa hàng buôn bán, tham quan cho du khách. "Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng của chủ di tích lẫn du khách khi đến đây" - Cảnh báo của Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An đưa ra.

Ngay như tại 3 di tích xuống cấp được Trung tâm có văn bản gửi cơ quan chức năng và chính quyền TP. Hội An đề nghị đóng cửa là căn nhà cổ số 26 Bạch Đằng (của bà Lò Thị Chuông và Lò Thị Hạc) xuống cấp đến mức không còn chỗ để chống đỡ nhưng vẫn đang được cho thuê kinh doanh hàng lưu niệm điêu khắc tre, tượng gỗ.


Căn nhà cổ số 96 đường Bạch Đằng của ông Trần Văn Sung làm chủ đã xập xệ nhưng hàng ngày vẫn mở cửa đón hàng trăm lượt du khách vào ăn uống, tham quan hay như nhà cổ số 43 Tiểu La của bà Nguyễn Thị Bảy được cảnh báo là có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào nhưng chủ nhà vẫn cho 5 người thuê để làm tiệm gội đầu.


Đề nghị đóng cửa 4 di tích xuống cấp


Khi được hỏi tại sao các di tích này đến nay vẫn chưa được trùng tu, bảo vệ? Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An Nguyễn Đức Minh cho biết nhiều năm trước đây, UBND TP Hội An đã có chính sách hỗ trợ trùng tu đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân với mức hỗ trợ từ 25% - 75% tổng kính phí đầu tư.

Tuy nhiên, do chủ nhân các di tích nhà cổ này không có nguồn kinh phí “đói ứng” còn lại, nên việc trùng tu các nhà cổ này không được triển khai. Chỉ một số rất ít chủ nhân những di tích này đầu tư trùng tu.


Một điều khó khăn khác đó là các di tích này có rất nhiều đồng thừa kế trong một gia đình, nên việc bỏ phần kinh phí còn lại sau hỗ trợ để trùng tu luôn gặp sự bất đồng của các đồng thừa kế di tích.

 

Nhiều di tích tường xây bằng vôi vữa hàng trăm năm nay đang xuống cấp.

Ông Minh lấy ví dụ di tích mặt tiền đường lớn có thể kinh doanh được lại vướng nhiều chủ sở hữu là thừa kế, người có tiền thì trùng tu, người không có tiền thì không thể trùng tu. Vì vậy, di tích ngày càng xuống cấp không trùng tu được.

Hay như di tích nằm trong hẻm nhỏ, chỉ có một chủ sở hữu nhưng cũng không thể trùng tu vì thiếu kinh phí.

Để bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn cho du khách cũng như chủ các di tích, Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An chính thức có văn bản đề nghị UBND TP Hội An, Quảng Nam ra quyết định đóng cửa 4 di tích nằm trong khu phố cổ Hội An thuộc sở hữu tư nhân để đảm bảo an toàn.

Ngoài đề nghị đóng cửa 4 di tích xuống cấp nghiêm trọng, Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đề xuất với UBND TP Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam cần thiết phải có chính sách “ưu đãi” vượt trội để bảo vệ các di tích này.

Quan điểm của Bí thư Thành uỷ Hội An Nguyễn Sự là để bảo vệ an toàn cho khu đô thị cổ Hội An khỏi nguy cơ đổ sập hàng loạt di tích cần có cơ chế chính sách ưu đãi “vượt trội” mà một trong “quyết sách" là đầu tư 100% kinh phí cho những di tích tư nhân đang xuống cấp này.

“Số tiền nhà nước đầu tư 100% để đầu tư trùng tu các di tích tư nhân này sẽ được quy ra vàng hoặc USD tại thời điểm đầu tư. Nếu chủ di tích này chuyển nhượng hợp pháp cho người khác phải hoàn trả lại số tiền của Nhà nước bỏ ra trùng tu theo giá vàng hoặc USD hiện tại...” - Ông Sự đưa ra biện pháp.

  • Vũ Trung