- Trải qua hơn 150 năm phát triển – Giàn Gừa độc đáo ở TP.Cần Thơ vẫn miệt mài cuộn chặt sinh sôi, tầng tầng lớp lớp ‘vươn vai’ ra xa khiến bao người ngả lòng trước vẻ đẹp hồng hoang…

Mấy năm trước, để vào chiêm ngưỡng “cụ gừa” chỉ có con đường duy nhất là đường sông, len lỏi qua nhiều kênh rạch chằng chịt. Từ lúc có đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (QL61B), dòng người tìm đến với Giàn Gừa nhiều hơn.

Thuở hồng hoang

Âp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) buổi sáng in bóng nắng. Giàn cây gừa hiện ra với hàng trăm thân, hàng ngàn nhánh to nhỏ cuồn cuộn, ôm chặt vào nhau, rễ cây thòng lòng trên cao rơi xuống bám chặt từng tấc đất.

Trên cao, từng nhánh nhỏ, lá xanh biếc không ngừng vươn xa.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Liên (64 tuổi) là cháu chắt họ Nguyễn nơi đây luôn tự hào về Giàn Gừa thế hệ cha anh để lại.

Theo những cụ cao niên ở vùng này, từ thuở hồng hoang, cây cối rậm rạp, chưa có người nào khai phá, dòng họ Nguyễn hiện tại đang sinh sống ở khu vực xung quanh là những người đầu tiên khai thiên, lập địa và trồng lên cây gừa.

Ông Nguyễn Văn Xô (64 tuổi) kể rằng, vùng đất này hết sức màu mỡ, trồng cây nào cũng cho trái và sống tươi tốt quanh năm. Trước đây, chỉ một số hộ gia đình sinh sống, gừa thỏa sức vươn lên mọc tươi tốt, nhưng bây giờ đã có nhiều người tìm đến đây.

Nhưng không một ai trong làng dám hái một cành nhỏ hay ngắt một chiếc lá xanh trên cành gừa.

Với lời kể của ông Xô cùng nhiều tư liệu, thể hiện, vào năm 1857 có nhiều nhóm người tìm đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang. Trong những người đến đây, có ông Cả (sau này mọi người truyền nhau gọi là ông Cả Nguyễn - PV) và cây gừa cũng được trồng lên từ lúc bấy giờ.

Dần dần, vùng đất khai hoang được mở rộng, giàn cây gừa cũng từ đó sum suê, tươi tốt và lấn ra nhiều diện tích đất mà những người họ Nguyễn khai phá. Người trong nhà họ Nguyễn dần nhận thấy cây gừa không làm nên “tích sự” gì và quyết định phá cây, ngăn việc phát triển lây lan.

{keywords}
Sức sống mãnh liệt của một nhánh cây gừa đâm xuống và mọc lên.

Có hôm trời nắng to, một người trong họ Nguyễn chất đống rơm rạ, lá dễ cháy xung quanh gốc cây gừa và đốt lửa. Gió càng to thì lửa càng bén nhanh, cây gừa ứa nhựa, oằn mình bỏng rát.

Cây gừa trở nên trơ trụi, xơ xác.

Ít lâu sau có sự xuất hiện thầy Bảy, ở vùng núi Châu Đốc (tỉnh An Giang) làm nghề bốc thuốc Nam đến làng chữa bệnh và khuyên họ Nguyễn trồng lại cây gừa.

Nghe theo thầy Bảy, từ đó cuộc sống người dân ở đây trở lại bình yên như những ngày mới khẩn hoang.

Theo lời kể người trong họ Nguyễn, thầy Bảy phán, việc phá cây đụng đến chỗ linh thiêng của Bà ngự. Sau đó, dân tình ở đây lập miếu thờ “Cổ Miếu Bà - Thượng Động Cố Hỉ” và lấy ngày 28/2 (âm lịch) hàng năm làm lễ cúng chính.

Di tích độc đáo

Nhiều người ví von Giàn Gừa độc đáo này có sức sống mãnh liệt, trải qua năm tháng chiến tranh khốc liệt, từng nhánh gừa vẫn sừng sững như tác phẩm “Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc”.

{keywords}
Hai bà Nguyễn Thị Tám và Nguyễn Thị Tảo thường xuyên ra hóng mát bên gốc cây di sản Việt Nam.

Trong chiến tranh, Giàn Gừa đã vài lần bị bom đạn xày xới nhưng cây cối vẫn giữ nét đẹp độc đáo. Tán rộng, nhiều nhánh, nhiều cành xum xuê cuộn tròn, thân cây uốn lượn xếp thành lớp, tạo ra nhiều hình thế kỳ bí, vững chãi vượt thời gian.

Theo tư liệu, từ năm 1959, dưới thời Ngô Đình Diệm thực hiện chiến dịch “Lê máy chém khắp miền Nam”; tề ấp, tề xã và lập đồn bốt truy lùng cán bộ cách mạng khắp nơi. Giàn Gừa lúc bấy giờ được chọn là nơi tập kết, trung chuyển, cất giữ vũ khí chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ vào Thị xã Cần Thơ.

Địa điểm này còn được xác định là nơi huấn luyện các khóa “Biệt động mật” cho 5 đến 7 người và thời gian chỉ trong vòng từ 3 đến 4 ngày. Đội biệt động mật sau này thường xuyên tổ chức các trận đánh tập kích đánh vào chính quyền Mỹ ngụy.

Bà Nguyễn Thị Tảo (80 tuổi) kể chuyện, lúc còn chiến tranh, lính ngụy thường xuyên đi tuần đến khu vực Giàn Gừa bây giờ. Thời đó, các loại cây cối khác mọc lên um tùm, người đi vào đến gần cây gừa là mát rượi.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Tảo (phải) kể về sự tích cây gừa trong những năm tháng chiến tranh tàn phá.

“Lính ngụy nhiều lần xui khiến bà vào trong chặt phá cây gừa, nhưng tôi nói: "Mô Phật! Sợ lắm, không dám". Ấy vậy mà lính ngụy không một ái dám chặt cây gừa, không dám đi vào trong gốc mà chỉ đứng ngoài nhìn vào. Nói thật là mấy tay kia cũng sợ “cụ gừa”…” – bà Tảo kể lại

Cũng theo hai bà Nguyễn Thị Tám (84 tuổi) và bà Tảo, vào những năm chuẩn bị giải phóng miền Nam, gốc cây gừa to nhiều người ôm không xuể đã bị trực thăng thả 2 quả pháo, phá nát thân. Tuy nhiên, cây gừa không chết đi, các nhánh con tiếp tục mọc ra tua tủa.

Đến tận bây giờ, Giàn Gừa đã được UBND TP. Cần Thơ công nhận là di tích lịch sử. Lại càng tự hào hơn khi Giàn Gừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam đầu tiên ở vùng miền Tây sông nước Cửu Long.

Quốc Huy