- Câu chuyện buồn về người đàn ông bị rơi trong thang máy và chết tại tòa nhà CT3 (ở phường Yên Hòa - quận Cầu Giấy - Hà Nội) ngày 21/9/2011 đã khiến nhiều người đang ở chung cư không khỏi rùng mình, lo sợ.


Việc sử dụng thang máy đối với người dân trở thành một việc rất bình thường, đơn giản.

Thế nhưng, không phải cứ vào thang máy, ấn tầng di chuyển là đã biết cách sử dụng. Câu chuyện về người đàn ông bị rơi trong thang máy và chết tại tòa nhà CT3 (ở phường Yên Hòa - quận Cầu Giấy - Hà Nội) đã khiến rất nhiều người đang ở chung cư không khỏi rùng mình, lo sợ.

Bài học về việc sử dụng thang máy một lần nữa lại được mọi người xôn xao bàn tán.

“Không phải cứ thích là cho con vào thang máy ăn bột”

Một thực tế hiện nay cho thấy, ở các khu chung cư, nhiều gia đình có con nhỏ đang lạm dụng thang máy trở thành nơi vui chơi cho các cháu, thậm chí biến thành căng tin vào giờ dỗ trẻ ăn uống.

Nhiều hộ dân ở các khu chung cư khi bắt đầu về sinh sống tại tòa nhà rất chủ quan với việc tìm hiểu về an tòan thang máy.

Trong các thang máy của tòa nhà văn phòng hay chung cư, ban quản lý tòa nhà đều treo bảng hướng dẫn và nội quy sử dụng thang máy (Ảnh: Thu Lý)

Có mặt trưa ngày 22/9 tại khu vực chung cư Nam Trung Yên, một người phụ nữ vừa hoàn thiện xong việc cho cháu ăn bột bằng cách ấn thang máy cho đi lại đã trả lời PV như sau: “Vào giờ cao điểm thì ở đây mọi người hay cho trẻ con vào trong thang, đi lại cho chúng nó thích, ăn cũng nhanh hết mà lại không chạy lung tung được”.

Bác Đình Đông, một người dân sống trong khu Nam Trung Yên bức xúc: “Nhiều lần họp khu dân cư tôi đã nói rồi, không phải cứ thích là cho con vào thang máy ăn bột, vừa gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, lại vừa ảnh hưởng đến mọi người xung quanh”.

Trong các thang máy của tòa nhà văn phòng hay chung cư, ban quản lý tòa nhà đều treo bảng hướng dẫn và nội quy sử dụng thang máy.

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là gần như không bao giờ có người chú ý đến những nội quy này để vận hành cho đúng cách.

Anh Hiếu, người làm công việc quản lý tòa nhà có kinh nghiệm cho rằng: Quan trọng nhất trong trường hợp này là nhân viên BQL tòa nhà phải bình tĩnh và có qui trình xử lý chuẩn, nếu không sẽ trầm trọng hóa sự việc.

Việc sai sót của máy móc là khó tránh khỏi, thang được bảo trì định kỳ theo tháng, kỹ thuật theo dõi vận hành hàng ngày, những vẫn kẹt, mất điện, rơi tự do vài tầng rồi dừng, nhưng những người sử dụng chỉ cần hiểu một chút về thang máy thì cũng chắc không dẫn đến hậu quả chết người.

Thực tế là mọi người rất chủ quan về an toàn cho chính mình, thông báo các kiểu cũng bỏ ngoài tai. Bỏ nhiều tiền ra diễn tập PCCC, nhưng khách hàng dửng dưng, cái nút gọi khẩn cấp trong thang thì như đồ chơi, thích lại bấm cho vui!?


Thang máy ở khu Nam Trung Yên hư hỏng gây hoang mang trong người dân (Ảnh: Lao Động)

Đi thang máy cũng cần biết cách

Theo một thành viên trên một diễn đàn, thang máy nào cũng có một bộ lưu điện đề phòng khi mất điện.

Vấn đề này người dân sinh sống tại các khu chung cư cần kiểm tra kĩ với chủ đầu tư hoặc ban quản lý tòa nhà để biết rõ.  

Nguyên tắc khi thang máy bị dừng đột ngột do mất điện hay bất kỳ nguyên nhân gì khác đều phải gọi và đợi cứu hộ từ những người có chuyên môn.

Thành viên Nakio trên diễn đàn otofun chia sẻ về kinh nghiệm đối phó với thang máy lúc mất điện giữa chừng: Cắt điện nguồn cấp vào thang; Chạy lên phòng máy, dùng cảo mở phanh và đưa tay quay vào quay tới đưa thang về tầng theo dấu trên cáp; Xác định tầng thang dừng chạy xuống dùng chìa khóa mở cửa thang để khách ra.

Cư dân mạng vẽ phác thảo thang máy để hướng dẫn nhau

Nhiều người thống nhất cho rằng, thang máy không bao giờ kín đến ngạt thở cả nên khi bị mặc kẹt thì phải bình tĩnh chờ kỹ thuật đến xử lý không nóng vội tìm cách chui ra dễ tai nạn.

Anh Thế, một người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bảo trì thang máy chia sẻ với PV VietNamNet: Trường hợp để có người ngã ở thang máy thì người cứu hộ là quá kém chuyên nghiệp, chủ quan, người bị nạn cũng ẩu.

Thường thì khoảng hở của buồng thang là nhỏ, khoảng hở cửa thang với giếng thang là lớn, trường hợp này rất nguy hiểm khi nhẩy từ trong buồng thang ra. 

Thực ra theo đúng tiêu chuẩn an toàn thì chỉ những người đã được huấn luyện mới được phép cứu hộ thang máy, tuy nhiên mọi người thường hành động theo ý thích của mình.

"Thực tế thang máy tải khách là phương tiện vận chuyển rất an toàn, nó mất an toàn vì lỗi của người sử dụng và vận hành.

Tôi là người trong nghề, tuy nhiên khi bị kẹt trong thang máy tôi cũng gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, tôi chỉ tự cứu hộ cho mình khi chính tôi đang bảo trì hoặc sử chữa cái thang đấy, với trường hợp khác thì luôn là không vì mình không hiểu nó thì chỉ tự vác cái nguy hiểm vào mình" - anh Thế nói.


Ngày 22/4/2011, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BLĐTBXH về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với “thang máy điện”.

Theo đó, mỗi thang máy phải có nội quy sử dụng an toàn riêng. Người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành thang máy phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và được cấp thẻ an toàn theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của thang máy mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến thang máy; biết cách khắc phục các sự cố khẩn cấp theo hướng dẫn của đơn vị lắp đặt.

Chỉ sử dụng thang máy có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn và đã đăng ký sử dụng với cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp mất điện hoặc đang sửa chữa phải treo biển thông báo tạm ngừng hoạt động ở các tầng dừng và cắt cầu dao điện vào thang máy. Khi vận chuyển loại hàng có khả năng gây cháy, dễ kích thích nổ hoặc độc hại phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Cấm vận chuyển các loại hàng này cùng với người.

Thang máy trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định bất thường. Các thang máy làm việc trong điều kiện làm việc bình thường thì chu kỳ kiểm định không ít hơn 5 năm một lần. Các thang máy làm việc trong điều kiện môi trường ăn mòn, tần suất làm việc cao thì chu kỳ kiểm định không ít hơn 3 năm một lần.

*Theo luật xây dựng, thang máy là một thiết bị công trình. Thiết bị này trước khi đưa vào công trình phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu thiết bị đó được nhập khẩu thì phải có chứng chỉ xuất xứ (CO) và chứng chỉ chất lượng (CQ), để đảm bảo nhà sản xuất đã sản xuất theo đúng đơn đặt hàng, đúng tiêu chuẩn, đúng chỉ dẫn kỹ thuật.

Thu Lý