Được cầm lái chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên trên hành trình bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam là một giấc mơ đối với tất cả phi công đang lái máy bay thương mại. Với những tính năng hiện đại nhất thế giới, chiếc máy bay đã mang lại những trải nghiệm thú vị và khác biệt.

Là phi công được cầm lái chiếc Boeing 787-9 Dreamliner từ Mỹ về Việt Nam, Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ - Đội phó Đội bay Boeing 787của Vietnam Airlines - đã chia sẻ về những trải nghiệm thực tế sau những hành trình đầu tiên của chiếc máy bay Boeing hiện đại như “khách sạn 5 sao di động”.

- Việc sở hữu máy bay Boeing 787-9 là một sự kiện lịch sử của Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Là phi công đầu tiên được lái chiếc máy bay này trên hành trình từ Mỹ về Việt Nam, anh cảm thấy như thế nào?

Đây đúng là một sự kiện lịch sử của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Khi lái chiếc Boeing 787-9 đầu tiên bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam trong 13 tiếng 10 phút, thực sự tôi cảm thấy rất vui và tự hào! Không chỉ vui và hạnh phúc vì là người đầu tiên, tôi còn cảm thấy rất may mắn khi được lái máy bay Boeing 787-9 Dreamliner thế hệ mới nhất.

Máy bay Boeing 787 thì nhiều hãng hàng không trên thế giới đã và đang sử dụng, khai thác, nhưng dòng Boeing 787-9 Dreamliner mới nhất thì Vietnam Airlines là một trong hai hãng hàng không đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sở hữu.

{keywords}

Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ - phi công đầu tiên lái chiếc Boeing 787-9 của Việt Nam.

- Với 22 năm là phi công trong ngành hàng không, anh đã lái rất nhiều loại máy bay, khi chuyển sang Boeing 787-9 anh thấy có gì đặc biệt?

Có nhiều điều đặc biệt hơn hẳn chứ. Nói thế này cho dễ hiểu, nếu tạm ví như một chiếc điện thoại, thì Boeing 787-9 là điện thoại smartphone cao cấp đời mới nhất.

Với phi công, đây là một điều tuyệt vời, bởi máy bay được chế tạo bằng công nghệ mới nhất và hiện đại nhất thế giới, hỗ trợ phi công thao tác điều khiển rất thuận tiện, từ đó nâng cao hiệu quả an toàn khai thác hơn nhiều.

Boeing 787-9 có những hệ thống và thiết bị mà các máy bay khác không có. Đơn cử như hệ thống khởi động động cơ của các dòng máy bay thông thường khác phải sử dụng điện và khí, hệ thống phanh phải dùng thủy lực, nhưng Boeing 787-9 thì chỉ dùng điện, vì vậy rất an toàn và tiết kiệm hơn nhiều.

Trên Boeing 787-9, phi công được trang bị hệ thống HUD (Head Up Display), là một hệ thống có khả năng trợ giúp rất hiệu quả cho phi công trong quá trình cất - hạ cánh khi tầm nhìn bị hạn chế.

Với khoang hành khách, hệ thống điều áp - điều hòa không khí, độ ẩm và ánh sáng máy bay được thiết kế mang lại sự thoải mái và dễ chịu tối đa, giúp hành khách cảm thấy dễ thở hơn và ít bị khô da, đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài. Cửa sổ khoang hành khách sử dụng hệ thống cảm ứng, có thể tự điều chỉnh ánh sáng ở nhiều cấp độ khác nhau tùy sở thích và nhu cầu của khách.

- Boeing 787-9 được giới thiệu rất nhiều về sự hiện đại và tiện nghi, thậm chí được ví như “khách sạn 5 sao di động”, anh có cảm nhận được điều đó?

Tôi đã lái nhiều loại máy bay và cũng được làm hành khách đi trên nhiều máy bay, nhưng cá nhân tôi, là phi công tôi cảm nhận lái Boeing 787-9 rất thích.

Với Boeing 787-9, các hệ thống, thiết bị đều rất hiện đại nên khai thác rất an toàn và hiệu quả. Ánh sáng, nhiệt độ, tiện ích bên trong máy bay… rất tuyệt vời. Nói đơn giản như thiết kế toilet của Boeing 787-9 cũng rất hay, khi bước vào hành khách sẽ được trải nghiệm về hệ thống cảm ứng ánh sáng một cách từ từ rất thú vị và dễ chịu.

{keywords}

Boeing 787-9 là dòng máy bay thế hệ mới nhất của Boeing, được ví như "khách sạn 5 sao di động"

Thực tế tôi không quan tâm lắm về việc máy bay được so sánh như thế nào, nhưng tôi và các đồng nghiệp đều cảm thấy rằng lái Boeing 787-9 rất sướng, và chắc chắn hành khách khi ngồi trên Boeing 787-9 cũng sẽ thấy như vậy.

4 camera giám sát, nhận dạng trên máy bay

- Hệ thống nhận dạng của Boeing 787-9 có thông minh hơn các dòng máy bay khác trong trường hợp có khủng bố hoặc có đối tượng đột nhập buồng lái phi công? Ngược lại, hệ thống này có kiểm soát được chặt chẽ hoạt động của phi công trong buồng lái hay không?

Khi vào buồng lái máy bay phải có mật khẩu riêng, và chỉ có những người có trách nhiệm mới được biết, để kiểm soát người ra vào buồng lái thì máy bay đều được trang bị camera theo dõi. Tuy nhiên, thông thường các dòng máy bay khác chỉ có 1 camera để nhận dạng,nhưng với B787-9 thì hệ thống giám sát có 4 camera nhận dạng và bao quát toàn bộ khu vực trước cửa buồng lái và khoang phục vụ. Vì vậy, ở trong buồng lái, phi công có thể quan sát và nhìn rất rõ ai đang ở bên ngoài và đang làm gì.

- Khi khai thác bay, hệ thống vận hành của Boeing 787-9 sẽ kết nối được với tất cả các đài kiểm soát không lưu và trạm đảm bảo an toàn bay, đây có phải cũng là điều khác biệt so với các dòng máy bay khác?

Thực tế trong hoạt động bay, tất cả các loại máy bay từ trước tới nay đều phải đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc hai chiều thông suốt với đài kiểm soát không lưu thì mới đảm bảo an toàn và quy định bay. Bình thường khi máy bay bay, radar dưới mặt đất sẽ nhận dạng máy bay bằng mã riêng và giữ liên lạc với phi công.

Tuy nhiên, điều khác biệt ở máy bay Boeing 787-9 là hệ thống liên lạc này hiện đại hơn nhiều, ngoài các thiết bị thiết yếu như các dòng máy bay khác thì phi công có thể gọi điện trực tiếp, gửi tin nhắn, điện tín, email về các địa chỉ mình cần.

{keywords}

Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ cùng đồng nghiệp thực hiện hành trình đầu tiên của Boeing 787-9 từ Mỹ về Việt Nam.

- Công tác đào tạo chuyển loại phi công lái Boeing 787 được biết là rất khắc nghiệt và khắt khe?

Thực tế để học lái máy bay hay chuyển loại từ một loái máy bay này sang một loại máy bay khác, bất cứ loại nào thì mọi quy trình đào tạo và huấn luyện cũng như nhau, đều vô cùng nghiêm ngặt. Có điều, nếu là phi công đã và đang lái dòng máy bay Boeing thì việc huấn luyện chuyển loại lên lái Boeing 787 sẽ đỡ vất vả và nhanh hơn phi công học chuyển loại từ các dòng máy bay khác.

Như cá nhân tôi đang lái dòng Boeing 777 thì chỉ phải tham gia khoá huấn luyện chuyển loại rút gọn trong 3 tuần. Còn nếu chuyển loại từ phi công lái Airbus 321 sang lái Boeing 787 thì phải tham gia khóa huấn luyện chuyển loại toàn phần kéo dài khoảng 35 ngày.

Toàn bộ tuần đầu tiên dành để học lý thuyết. Mỗi ngày phi công học chuyển loại đều phải hoàn thành khối lượng kiến thức lớn, bao gồm kiến thức về hệ thống máy bay, câu hỏi thực hành, trắc nghiệm và thực hiện một bài kiểm tra.

Kết quả sẽ được gửi thẳng về trụ sở Boeing tại Mỹ. Nếu không hoàn thành sẽ phải kéo dài thêm, ảnh hưởng đến thời gian và quá trình học của mình. Những tuần kế tiếp thì vừa học lý thuyết, vừa bay huấn luyện. Tiêu chuẩn của Boeing rất rõ ràng và khắt khe, đòi hỏi phi công phải thật sự tập trung, nắm chắc kiến thức và thành thạo thực hành.

Xin cảm ơn anh!

(Theo Dân trí)