Đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, nguồn nhân lực cán bộ tư pháp được đào tạo chuyên cho phục hội nhập quốc tế sẽ được gia tăng cả về số lượng và chất lượng.

{keywords}
Đoàn cán bộ ngành tư pháp đón Chủ tịch nước. Ảnh: VOV

 Đây là một phần nội dung được trao đổi tại buổi làm việc chiều 31/7 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

8 năm kể từ khi có chủ trương cải cách từ nghị quyết 49, trong tổng số 178 luật, pháp lệnh được ban hành có 63 văn bản, chiếm 35%, trực tiếp liên quan đến cải cách tư pháp.

Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo 22/23 dự án luật, pháp lệnh, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp; đồng thời tham gia hầu hết các dự án luật, pháp lệnh trong lĩnh vực tư pháp, qua đó thể chế hóa các quan điểm, định hướng trong nghị quyết.

Đây cũng là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã được ban hành. Cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 8.500 luật sư và 3.500 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề luật sư; 47/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế.

Tổ chức bộ máy của ngành tư pháp được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Các cơ quan thi hành án dân sự đã được nâng tầm thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương với 3 cấp điều hành tập trung, thống nhất.

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo được 27.924 sinh viên với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị quyết cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Việc xây dựng dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chưa toàn diện, đồng bộ; thiếu dự báo mang tính chiến lược và sự ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội; tiến độ xây dựng một số văn bản, đề án tuy có cố gắng nhưng còn chậm so với kế hoạch...

Có nhiều kiến nghị sâu rộng về công tác cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh yếu tố đào tạo nguồn nhân lực. Không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, các ý kiến cũng nêu nhu cầu thực tiễn đòi hỏi gấp rút đào tạo cán bộ tư pháp được đào tạo chuyên cho phục hội nhập quốc tế.

Các ý kiến cho rằng, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, va chạm nhiều trong các vụ tranh tụng quốc tế liên quan kinh tế, thương mại nhưng nguồn nhân lực phục vụ cho nhánh này rất thiếu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, sau 8 năm triển khai nghị quyết 49, cùng với nhiều mục tiêu đạt được, hoạt động cải cách tư pháp đã phát sinh những vấn đề mới trong thực tiễn.

Chủ tịch nước cho rằng, đối chiếu với nội dung trọng tâm được nghị quyết 49 đặt ra, ngành tư pháp còn phải giải quyết nhiều công việc. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết cả những thành quả và những hạn chế, phát huy những nhân tố cải cách hiệu quả không chỉ giới hạn ở mốc 2020, có thể tính đến những cải cách cho giai đoạn đường dài…

Chủ tịch nước lưu ý việc đào tạo nguồn nhân lực, trong đó quan tâm việc xây dựng Học viện Tư pháp đàng hoàng, quy mô để trở thành nơi đào tạo nhân lực chủ chốt cho ngành.

Linh Thư